Everest là ngọn núi cao nhất thế giới, với độ cao hơn 8.840 mét so với mực nước biển và đang ngày càng cao hơn. Theo hiểu biết trước đây, nguyên nhân khiến ngọn núi này cao lên là sự va chạm giữa tiểu lục địa Ấn Độ với lục địa Á-Âu. Một kết quả nghiên cứu mới đã chỉ ra một yếu tố khác góp phần nâng chiều cao của Everest.
Ảnh minh họa
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ các nước như Trung Quốc, Anh đăng trên tạp chí Nature Geoscience của Anh, ước tính Everest đã cao thêm từ 15 đến 50 mét do tác động lâu dài từ sự hợp nhất của hai con sông gần đó cách đây khoảng 89.000 năm.
Theo đó, sự hợp nhất của sông Kosi và sông Arun đã tạo ra quá trình địa chất được gọi là “sự phục hồi đẳng tĩnh”, liên quan đến sự dâng cao của các khối đất trên vỏ Trái Đất khi trọng lượng bề mặt giảm. Việc sông Kosi chuyển hướng, hợp nhất với sông Arun đã làm gia tăng xói mòn đất, tạo ra hẻm núi sông Arun. Tình trạng này đã loại bỏ một lượng đất dọc theo lưu vực sông Arun, khiến nền đất ở các khu vực xung quanh trở nên nhẹ hơn. Đây là nguyên nhân góp phần khiến Everest ngày càng cao hơn.
Hiện Everest cao thêm khoảng 2 milimét mỗi năm. Số liệu chính thức về chiều cao của ngọn núi này được điều chỉnh lần gần đây nhất vào năm 2020 là 8.848,86 mét./.
Tuấn An