Theo kết quả một cuộc nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi tự nhiên của đại dương vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Climate Change, một phần các thành phố lớn nhất ở châu Á có thể sẽ chìm trong biển nước vào năm 2100. Điều đó cho thấy tình trạng nước biển dâng có thể đang tồi tệ hơn so với suy nghĩ lâu nay của các nhà khoa học.
Ảnh minh họa
Kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp phối hợp với các đối tác thực hiện cho thấy các dữ liệu phân tích trước đây đã đánh giá thấp mức độ nước biển dâng và tần suất lũ lụt. Nguyên nhân là chúng chỉ dựa trên biến động tự nhiên của đại dương vốn có độ biến thiên cao và khó định lượng. Nhóm nghiên cứu sau đó đã kết hợp thêm các dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu và đưa ra nhận định rằng một số siêu đô thị ở Đông Nam Á sẽ trở thành điểm nóng mới về tình trạng nước biển dâng. Chẳng hạn như tại thủ đô Manila của Philippines, tần suất lũ lụt trong thế kỷ tới được dự báo sẽ cao gấp 18 lần so với trước đây.
Cũng theo nghiên cứu trên, nhiều đô thị lớn ở châu Á có nguy cơ bị nhấn chìm “đặc biệt cao” như thủ đô Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), thành phố Yangon (Myanmar).
Dân số tại các đô thị lớn ở châu Á:
· Bangkok (Thái Lan): Ít nhất 11 triệu người
· Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam): Hơn 9 triệu người
· Yangon (Myanmar): 5,6 triệu người
Nhóm nghiên cứu ước tính tình trạng nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 50 triệu người sinh sống tại các siêu đô thị ở châu Á, trong đó gần 30 triệu người ở Ấn Độ./.
Thảo Nguyên