Nhiều nhà lãnh đạo trong Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã bày tỏ lập trường cứng rắn về vấn đề Greenland. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất mua lại vùng lãnh thổ này từ Đan Mạch.
Ảnh minh họa
Phát biểu vào đêm 08/01 tại thủ đô Copenhagen, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết, Greenland không có mong muốn trở thành một bang của Mỹ.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận rằng Greenland có tham vọng riêng. Và nếu những tham vọng đó trở thành sự thật thì Greenland có thể trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, không có khả năng để Greenland trở thành một bang của Mỹ.”
Greenland là một thuộc địa của Đan Mạch trong hàng trăm năm. Đến năm 1979, Greenland được trao quyền tự trị.
Hôm 07/01 vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất mua lại vùng lãnh thổ này, cùng với Kênh đào Panama của Panama. Ông cũng không loại trừ khả năng sử dụng các hành động quân sự và kinh tế để đạt được mục tiêu này. Đồng thời, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đưa ra ý tưởng biến Canada thành một phần lãnh thổ của Mỹ.
Ngay sau phát biểu trên, Ủy ban Châu Âu (EC) đêm 08/01 ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng. EC nhấn mạnh rằng điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự nhắm vào vùng lãnh thổ này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết Greenland là một phần lãnh thổ của EU và EU sẽ không để bất kỳ quốc gia nào “tấn công biên giới chủ quyền của khối”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phản bác những ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên quan đến Greenland và Canada, khẳng định quyền bất khả xâm phạm về biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế./.
Đức Tài