Nghề làm vàng lá dùng trang trí nhà cửa, thánh đường, tượng đài, hay khung tranh từng có thời kỳ phát triển hưng thịnh ở Đức, nhưng hiện nay đang rơi vào thoái trào. Giờ đây, những nghệ nhân ít ỏi còn theo đuổi nghề thủ công lâu đời này đang nỗ lực gìn giữ nghề để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Ảnh minh họa

Thành phố Schwabach thuộc vùng Bavaria của Đức từng chứng kiến sự lên ngôi của ngành sản xuất vàng lá hồi thế kỷ 19. Với điều kiện khí hậu khô ráo của vùng đất cát, nơi đây rất phù hợp cho hoạt động đúc và dập vàng lá với độ mịn hoàn hảo. Khi ấy, Schwabach được xem là trung tâm hàng đầu nước Đức và cả châu Âu của nghề thủ công này. Tuy vậy, đến nay, chỉ còn 2 công ty ở thành phố duy trì công việc làm vàng lá theo phương pháp thủ công truyền thống. Và công ty Noris Blattgold của gia đình chị Lara Haferung là một trong số đó.

Nghệ nhân Lara Haferung – Công ty Noris Blattgold cho biết: “Với tôi, điều mong muốn lớn nhất là nghề sản xuất vàng lá sẽ còn tiếp nối và diễn ra theo cách thức đã có từ hàng trăm năm nay. Công việc thủ công này tôi đã học được từ những nghệ nhân bậc thầy đã gắn bó với công ty từ khi họ còn rất trẻ.”

Vàng lá được làm từ vàng có độ tinh khiết đến 23 ca-rat và chỉ chứa một tỷ lệ nhỏ đồng và bạc. Trước tiên, người ta đúc vàng thành những thanh vàng, rồi dùng máy cán mỏng thành cuộn dài. Tiếp theo là công đoạn dập cho đến khi lá vàng mỏng còn chỉ 1 phần 10 ngàn của 1 mi-li-mét. Trước đây, khi chưa có những cỗ máy này, mọi việc đều được làm bằng tay. Khi ấy, việc dập từng lá vàng có thể được tiến hành trong nhiều giờ liền. Gần đây, dù có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng nhìn chung việc sản xuất vàng lá ở Schwabach vẫn mang tính thủ công. Riêng việc cắt vàng lá thành từng tấm thành phẩm và xếp thành tập thì có lẽ chưa có máy móc nào đảm trách được mà phải do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thực hiện.

Nghệ nhân Lara Haferung – Công ty Noris Blattgold cho biết: “Điều khiến tôi thích thú với công việc là trông thấy quá trình biến đổi của vàng, từ khâu đúc, đến cán mỏng và sau cùng thì trở thành lá vàng mỏng đến mức chúng ta không thể dùng ngón tay chạm vào vì nó sẽ dính tay.”

Với mong muốn gìn giữ một ngành nghề thủ công lâu đời, thành phố Schwabach vừa nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận nghề sản xuất vàng lá là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ông PETER Reiß – Thị trưởng thành phố Schwabach (Đức) phát biểu: “Chúng tôi e rằng nếu không có những nỗ lực như thế, thì nghề thủ công này, kỹ thuật độc đáo này có thể sẽ mai một. Đó là lý do để thành phố tiến hành đề xuất với UNESCO. Chúng tôi quyết gìn giữ, tôn vinh nghề sản xuất vàng lá, phát triển nét văn hóa đặc trưng của địa phương.”

Dự kiến UNESCO sẽ đưa ra quyết định đối với hồ sơ của thành phố Schwabach vào tháng 01 năm 2024./.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *