Nhiệt độ nước biển tăng do tác động của biến đổi khí hậu đang làm giảm đáng kể số lượng rong biển ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Nhật Bản. Một dự án thử nghiệm tại tỉnh Ehime được kỳ vọng có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ông Nakaoka Keiji đang điều hành một trường dạy lặn ở tỉnh Ehime. Ông đi lặn biển gần như mỗi ngày kể từ khi đến đây sinh sống vào năm 2007. Ông cho biết trước kia rong biển phát triển mạnh giúp cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho nhiều loài sinh vật biển, thế nhưng giờ đây số lượng rong biển đã sụt giảm mạnh.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ nước biển tăng khiến số lượng cá từ các vùng nước ấm hơn di cư đến vùng biển này tăng đột biến và tiêu thụ nhiều rong biển. Điều này không chỉ làm giảm số lượng rong biển mà còn kéo theo sự sụt giảm các loài động vật có vỏ.
Anh Fukushima Otomo – Ngư dân cho biết: “Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đánh bắt ốc biển, nhím biển và bào ngư. Sản lượng đánh bắt sẽ tiếp tục sụt giảm nếu các thảm rong biển không thể hồi sinh.”
Một nhóm thợ lặn đang tham gia dự án tái tạo rừng rong biển ở tỉnh Ehime. Theo đó, sau khi rong biển được kích thích để giải phóng bào tử, các thợ lặn đặt những chiếc lồng chứa đầy gạch và bào tử rong biển ở độ sâu khoảng 8 mét so với mặt nước biển để bào tử phát triển thành các thảm rong biển. Đây là độ sâu lý tưởng giúp rong biển có thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và có nhiệt độ nước biển ổn định. Những chiếc lồng giúp hạn chế tình trạng cá ăn rong biển.
Ông Nakaoka Keiji tham gia dự án tái tạo rừng rong biển này với hy vọng có thể giúp hồi sinh món quà quý giá từ biển cả cho các thế hệ tương lai./.
Thái Kim