“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” – đó là chủ đề mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn cho ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay. Với chủ đề này, WHO kêu gọi các nước nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, đồng thời đưa ra giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng cây lương thực.
Ảnh minh họa
Theo WHO, từ năm 2019 đến nay, số người bị mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã tăng từ 135 triệu lên 350 triệu – mức cao kỷ lục. Trong khi đó, hiện có hơn 120 quốc gia trồng cây thuốc lá như một loại cây công nghiệp với tổng diện tích hơn 3,2 triệu ha, chưa kể khoảng 200.000 ha đất khác được dùng để phục vụ cho hoạt động thu hoạch loại cây này.
Một điều đáng quan ngại là phần lớn các nước trồng nhiều thuốc lá nhất là các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Kể từ năm 2005 đến nay, diện tích trồng cây thuốc lá ở châu Phi đã tăng đến 20%.
Ông Ruediger Krech – Giám đốc phụ trách mảng nâng cao sức khỏe của WHO cho biết: “Thuốc lá tất nhiên là rất có hại với sức khỏe của chúng ta. Không những vậy, thuốc lá còn góp phần lớn gây mất an ninh lương thực. Tại nhiều nước, nhất là các nước có nhiều người dân thiếu lương thực, đất đai màu mỡ lại được sử dụng để trồng cây thuốc lá.”
Theo WHO, hoạt động trồng cây thuốc lá hao tốn rất nhiều tài nguyên, phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần dẫn đến thoái hóa đất. WHO nhấn mạnh rằng, bất kỳ khoản lợi nhuận nào thu về từ cây thuốc lá cũng không thể bù đắp thiệt hại về sản xuất lương thực tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đó là chưa kể đến những tác hại về sức khỏe và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hiện có đến hơn 1 triệu lao động trẻ em đang làm việc tại các nông trại thuốc lá, bỏ lỡ học hành.
Ông Ruediger Krech – Giám đốc phụ trách mảng nâng cao sức khỏe của WHO chia sẻ: “Qua việc chọn trồng cây lương thực thay vì cây thuốc lá, chúng ta bảo vệ môi trường, tạo ra những cơ hội về kinh tế và dành ưu tiên cho sức khỏe.”./.
Tuấn An