Năm 2024 được dự báo là năm có nhiệt độ cao kỷ lục. Nắng hạn kéo dài đã khiến ngành nông nghiệp nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia cho rằng những nơi có nguy cơ cao bị hạn hán cần thiết có sự chuyển đổi sang những giống cây trồng chịu hạn, chịu nhiệt để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây đề xuất mở rộng canh tác cây xương rồng lê gai trên những vùng bị hạn.

Ảnh minh họa

Cây xương rồng lê gai hay xương rồng tai thỏ là loài xương rồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Không chỉ cứng cáp, cây xương rồng không cần nhiều nước để phát triển. Nhờ khả năng sinh trưởng mạnh mẽ trong điều kiện khô hạn, xương rồng lê gai có thể phát triển tốt ở những vùng đất không thuận lợi cho các loại cây trồng khác.

Ông Jalal Hamoud – Đại diện FAO tại Syria cho biết: “Chúng tôi đang hướng dẫn nông dân tại Syria trồng xương rồng lê gai để làm thức ăn chăn nuôi trong dự án thử nghiệm.”

Cây xương rồng lê gai có nhiều giá trị kinh tế. Thân xương rồng lê gai giàu các khoáng chất như canxi, ma-giê, phốt-pho, protein và chất xơ, có thể được chế biến thành thức uống năng lượng ít calo, giàu dinh dưỡng. Tương tự như nha đam, xương rồng lê gai có thể được trích xuất làm mỹ phẩm dưỡng da. Ngoài ra, loài thực vật này còn là nguồn thực phẩm giàu đạm cho gia súc, góp phần bổ sung vào chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững. Các phụ phẩm trong quá trình chế biến xương rồng dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc phân bón. Không riêng Syria, nhiều nước tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La-tinh và Nam Âu hiện đang mở rộng diện tích trồng xương rồng ở những vùng đất bị hạn.

Chị Dalila Samaali – Quản lý nhà máy chế biến xương rồng Nopal (Tunisia) chia sẻ: “Ngày càng nhiều người nhận ra giá trị kinh tế của cây xương rồng lê gai và lựa chọn trồng trên vùng đất khô hạn. Loài cây này có nhiều chất chống oxi hóa nên là nguồn nguyên liệu tuyệt vời để làm mỹ phẩm.”

FAO cho rằng việc trồng cây xương rồng lê gai sẽ giúp phát triển kinh tế và ngăn sa mạc hóa ở các khu vực bị nắng hạn kéo dài. Sự thành công của mô hình trồng loài thực vật này ở các nước Mexico, Brazil, Tunisia đang cho thấy đây là lựa chọn hiệu quả của ngành nông nghiệp trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Thuận Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *