Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây cho biết đợt tẩy trắng san hô toàn cầu hiện nay đã trở thành đợt lớn nhất từng được ghi nhận, với diện tích rạn san hô bị ảnh hưởng tiếp tục gia tăng.

Ảnh minh họa

Theo NOAA, từ tháng 02/2023 đến ngày 10/10/2024, khoảng 77% diện tích rạn san hô trên thế giới đã phải chịu áp lực nhiệt độ ở mức tẩy trắng do tác động của biến đổi khí hậu. Đợt tẩy trắng san hô hàng loạt hiện nay ảnh hưởng đến các rạn san hô ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt tẩy trắng thứ tư kể từ năm 1998 này đã vượt qua kỷ lục trước đó là gần 66% diện tích rạn san hô bị ảnh hưởng từ năm 2014 đến năm 2017.

San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo, theo đó san hô cung cấp nơi trú ẩn cho tảo, trong khi tảo cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, san hô sẽ đẩy tảo sống cộng sinh trong mô của san hô ra ngoài và chuyển sang màu trắng, hiện tượng được gọi là tẩy trắng, khiến san hô dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần.

Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm. Các rạn san hô cũng giúp bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn./.

Thái Kim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *