Vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã ghi nhận sự lội ngược dòng thành công của Liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) cánh tả khi chiến thắng cả Liên minh “Cùng nhau” của Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu.

Ảnh minh họa

Thành công bất ngờ của liên minh cánh tả NFP đã đánh tan hy vọng trở thành đảng cầm quyền của phe cực hữu RN, đảng giành chiến thắng trong vòng một. Tuy nhiên, kết quả này lại khiến Pháp không có phương hướng rõ ràng để thành lập chính phủ mới vào thời điểm chỉ còn ba tuần lễ nữa diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024.

Theo kết quả bầu cử, không một đảng nào giành được ít nhất 289/577 ghế để tạo thành thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp nhiệm kỳ mới. Liên minh NFP giành được 182 ghế, xếp vị trí thứ nhất. Tiếp theo là Liên minh “Cùng nhau” với 168 ghế và thứ ba là đảng NR với 143 ghế.

Chị Sophie De La Rochefoucauld – Người dân Pháp cho biết: “Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin liên minh cánh tả chiến thắng. Tôi không mong muốn đảng cầm quyền là đảng cực hữu.”

Theo các chuyên gia, Quốc hội Pháp nhiệm kỳ mới sẽ chia thành ba nhóm lớn gồm cánh tả, trung dung và cực hữu. Cả ba nhóm chính trị này có những nền tảng quan điểm, kế hoạch và chương trình hành động rất khác biệt và hoàn toàn không có truyền thống làm việc cùng nhau. Do đó, nhiều khả năng là ba nhóm chính trị này sẽ tìm kiếm liên minh với các đảng khác ít ghế hơn.

Ông Brice Tenturier – Nhà phân tích của công ty dữ liệu IPSOS (Pháp) thông tin: “Với kết quả bầu cử, chúng ta chưa thể đoán được quyền thành lập chính phủ mới sẽ rơi vào đảng nào. Ba nhóm chính trị đang tạo thành thế chân vạc.”

Các đảng cực tả đã lên tiếng loại trừ khả năng liên minh rộng rãi với những đảng có quan điểm khác nhau. Còn liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron thì đang xem xét hợp tác với những đảng nhỏ hơn như đảng Xanh, đảng Xã hội. Trong khi đảng RN vẫn chưa công bố ý định liên minh với đảng khác.

Anh Christophe Magnan – Người dân Pháp chia sẻ: “Tình huống hiện nay khiến nhiều người lo lắng. Việc các đảng chính trị khó có thể sớm thành lập được chính phủ liên minh là điều cử tri không mong muốn.”

Đáng chú ý, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal hôm 08/7 đã tuyên bố từ chức. Giới chuyên gia bày tỏ quan ngại chính trường Pháp có nguy cơ đối mặt với giai đoạn bế tắc chính trị kéo dài nếu không thành lập được chính phủ mới./.

Thuận Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *