Ngày xưa ở quê, bà ngoại tôi ăn trầu bỏm bẻm, có cả ống ngoáy trầu bằng “túc súng” vàng tươi. Bà vừa têm trầu, rồi để vào cối giã nhỏ rất “điệu nghệ”, tôi nhìn mà phát thèm. Có một lần bà đi vắng, tôi cũng bắt chước làm thử xem nó ngon tới mức nào. Ý trời ơi! Lần đó, tôi bị “say máu ngà”, mới biết cái vị cay nồng từ thuở hồng hoang của ông cha còn mãi ngân nga.

Lớn lên, tôi đi học đàn, lại mê bài “Sự tích trầu cau” của Phan Huỳnh Điểu”, nói về lòng chung thủy của con người hay quá… Tôi định viết cái gì đó, nhưng không dám. Cho tới bây giờ cũng chỉ ngồi ghi lại vài kỷ niệm về chuyện trầu cau, để nhớ ngoại thôi… Khi học văn hóa, tôi gặp bài Việt Nam phong tục của Phan Kế bính, trong sách có đoạn : “Trầu cau là đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự tang ma, cưới xin, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng”. Đúng như cụ Phan đã nói, ăn trầu là một phong tục của người Việt ta, từ lễ hỏi gọi là Ăn trầu uống rượu… Rồi ngày cưới, rước dâu về cũng che tấm vải để hai đứa nó “giở mâm trầu”, coi có hên hay không… Từ đó, tôi mới biết câu tục ngữ : “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngoài ra, ăn trầu còn giữ được men răng, răng lại bền, ít bị sâu răng… Ăn trầu ngày xưa cũng như hút thuốc và uống trà vậy. Nó phổ biến và trịnh trọng đến nỗi xem ai đó ăn trầu, ta cũng phán đoán được tính tình của họ.

Thân em như miếng cau khô

Người thanh ham mỏng, người thô ham dày.

Từ chuyện ăn trầu sinh lễ nghĩa, có khi còn vươn xa như một hình tượng nghệ thuật. Có một ông vua trong thần thoại đã từng tìm được vợ mình sau cơn binh lửa qua miếng trầu têm hình con chim phượng.

Cau trầu còn biểu đạt tình yêu nam nữ một cách rất tinh tế và ý nhị. Mượn chuyện trầu cau, chàng trai bóng gió :

Nhà em đất tốt trồng cau

Cho anh trồng ghé bụi trầu gần bên.

Hoặc thân thiện hơn :

 Trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng

Cơi trầu bịt bạc, thiếp mời chàng ăn chung.

Thiếp mời chàng ăn chung! Sao không mời ăn thứ khác, mà lại mời trầu? Ngôn ngữ đó còn mang một tín hiệu gì đây chăng? Cái vô ngôn ngữ đó còn tiềm ẩn bên trong một mã số… mà người mẹ Việt Nam có kinh nghiệm sống trong cuộc đời đã từng giải mã, nên đã dặn con gái :

Ví dầu duyên nợ nên chăng

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Người con gái nếu đã nhận trầu của người con trai, coi như đã chấp nhận sự ràng buộc – sự ràng buộc đáng yêu, nhưng kín đáo :

Đôi ta sang một con đò

Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu.

Vì miếng trầu là món quà biểu lộ tình yêu, nên ngại lắm, phải chờ vắng khách mới dám trao cho người yêu.

Ăn trầu cũng là một phong tục đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trên khắp ba miền đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Bính, trong ngôn ngữ thơ, cũng nhiều lần nhắc đến chuyện cau trầu.

Trong hát ghẹo Phú Thọ cũng từng nhắc đến :

Có trầu mà chẳng có cau

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.

Làm sao cho đỏ môi nhau, câu hát táo bạo thật. Chuyện ấy họa có trời mới biết…

Trong cuộc sống sinh động ngày nay, chuyện cau trầu chỉ còn chăng ở miền thôn dã… Riêng tôi thấy ai ăn trầu, lại nhớ chuyện ngày xưa… thuở ngoại tôi ghiền trầu, tôi chạy mua cau, mua cau hoài ở nhà một cô gái xóm trong. Còn một chút nữa là tôi mọc rễ ở đó luôn rồi.

Chuyện cau trầu, đối với tôi chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi.

Thanh Tâm – Báo Bạc Liêu, 1997

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *