Không hẹn mà có khách miền Tây lên, ghé chơi một buổi. Bữa cơm, ngồi chung bàn, bọn trẻ ngạc nhiên, lạ lẫm nhìn khách mặc bộ bà ba trắng hơi ngả vàng như muốn tiệp màu với đầu tóc búi tó và chòm râu thưa dưới cằm. Ngồi ngay ngắn, khách so đũa gác ngang qua miệng chén cơm, hai tay kính cẩn nâng lên trán, miệng lầm thầm. Đặt chén cơm xuống bàn, hai bàn tay khum khum cầm giữa đôi đũa như hai nén nhang để nằm ngang, khách từ tốn xá xá ba lượt rồi mới nâng chén, thủng thẳng và một miếng cơm.
Buổi tối, anh lựa lời giảng giải cho bọn trẻ hiểu nghi thức mở đầu bữa cơm của khách. Anh nhớ mang máng có một sách nói về những lưu dân Nam tiến mở cõi ngày xưa và tập tục ông bà thuở trước mỗi khi được bỏ vào miệng hạt ngọc trắng ngần lại thầm nguyện tạ ơn những người vô danh khai hoang trồng cấy…
Rồi anh giật mình. Lâu nay, bọn trẻ ngồi vào bàn là tự nhiên quơ đũa, cầm chén. Trẻ chỉ biết gạo bán sẵn ở chợ, không hình dung được từ đồng ruộng bùn lầy đến chén cơm nóng dẻo là biết bao công phu nhọc nhằn và lo toan bất trắc của người làm ra hạt lúa. Anh lại liên tưởng những chén cơm đôi khi trẻ bỏ mứa, nhớ một vài lần ngồi trong một nhà hàng sang trọng, bàn tiệc ê hề mà chẳng ai muốn động đũa… và chả hiểu món ăn quỷ gì xui khiến, bỗng dưng anh nghĩ quàng tới người ăn nhờ sông biển mà lạnh lùng tàn phá biển sông, kẻ ăn nhờ núi rừng mà thản nhiên hủy diệt núi rừng. Giữa ngần ấy thứ, chẳng rõ có mối liên hệ nào không?
Lê Anh Dũng – Tuần san SGGP thứ bảy, 1999