Với mùa hồng, mùa cốm, nắng hè đã chuyển sang thu. Mùa thu tới là mùa đình đám tới. Nếu ba tháng xuân là những hội chùa của tín nữ thiện nam thì tháng Tám là hội rước sách ở các đình đền. Tháng Tám hội cha, tháng Ba hội mẹ là thế.
Làng Thị Cầu cũng như mọi làng khác ở Bắc Ninh, vào đám vào dịp Trung thu. Trong những ngày hội, có rước, có tế, có tuồng, nhưng cái mà người ta mong đợi xem là việc thi cỗ của hạng thập bát trong làng.
Trong làng chia ra 4 giáp : giáp Đông, giáp Bắc, giáp Giữa và giáp Già. Con trai các giáp từ 18 – 20 tuổi được cử đi rước thần và được phép thi cỗ buổi hôm rã đám.
Thi cỗ là của con trai, nhưng làm cỗ là công việc của các thiếu nữ khéo tay trong làng.
Hiền năm ấy phải lo làm cỗ cho anh là Sáu ở giáp Đông. Hàng năm, nàng đã được xem những cuộc chấm cỗ rất kỹ lưỡng của Hội đồng ở đình làng. Những mâm cỗ dự thi phải tinh khiết, sạch sẽ. Có nhiều món ngon chưa đủ, cần phải có nhiều món lạ. Điều quan hệ nhất là những món ăn tuy lạ, nhưng phải nấu bằng thổ sản trong vùng. Hội đồng cũng chú ý đến cách bày cỗ nữa. Hiền còn nhớ năm trước, cả làng đều để ý đến con kỳ lân tết bằng tôm bưởi của Mỹ – con ông đám Nhất giáp Đông – làm cho anh là Bỉnh. Cỗ của Bỉnh đã được Nhất cũng chỉ nhờ có con kỳ lân ấy, đứng sừng sững giữa những bát thức ăn bày thành một ngọn giả sơn mà những bậc lên xuống đều bằng những phong bánh ít bột trong suốt, trắng tinh. Mỹ khéo tay thật. Ai lại làm một con kỳ lân, Mỹ chỉ lấy những múi bưởi lộn ngược tôm ra ngoài chắp lại. Những múi bưởi đào hồng nhạt bên những múi bưởi trắng trong xanh, kết nên bộ lông của con kỳ lân hùng dũng. Hai con mắt của con kỳ lân mới khéo : Nó chỉ là hai hạt sen già mà sao nó óng ánh dưới những ngọn nến như hai hạt ngọc huyền.
Chả phượng |
Hiền năm nay định làm một bàn cỗ lịch sự hơn bàn cỗ của Mỹ sửa cho Bỉnh năm trước. Xem các mặt đi chợ mấy phiên nay, Hiền không sợ ai đoạt được giải Nhất của anh mình nữa. Cô Lý xóm Chu, cô Hoài xóm Ngoài, tuy có khéo nhưng hai cô ấy làm gì có sáng kiến. Hiền không lo. Còn những cô Tâm, cô Thúy, cô Đỉnh thì Hiền đã biết họ định làm cái gì rồi. Những mâm cỗ của họ, Hiền thấy còn kém của Hiền xa. Hiền chỉ hơi ngại cỗ của Mỹ thôi. Mỹ tuy lấy chồng ngay từ hồi năm ngoái, sau khi mâm cỗ của anh nàng mang giải làng về cho giáp Đông, nhưng năm nay, nàng lại sửa cỗ cho Bằng là em chồng. Hiền cũng chẳng sợ mấy, năm nay còn bới ra được cái gì mới mẻ hơn nữa. Vả lại, có chồng rồi còn ai muốn ganh đua với các cô mới nhớn.
Ba phiên chợ liền, Hiền tìm mua một con gà sống lớn. Nàng sẽ uốn con gà thành ông Lã Vọng ngồi câu cá bên bờ sông. Giòng sông của nàng sẽ là một mẻ thạch đổ ra một cái khuôn tự tay nàng đan lấy. Hơn nữa, trong mâm cỗ của anh nàng sẽ có mấy đĩa bánh đúc tro trông trong suốt, thấy hình con phượng ở lòng những chiếc đĩa thanh trúc. Lối nấu bánh đúc tro, nàng học được ở làng Vân, tỉnh Bắc Giang – quê mẹ nàng.
Ừ thử xem. Con gái giáp Đông có tiếng là khéo léo, nhất là con gái ông Bá, lại chịu thua ai!
Nghĩ đến lúc mâm cỗ của anh mình được Hội đồng định giải chấm lấy Nhất, Hiền vui vui. Đã đành rằng đó là cái phần thưởng đích đáng của nàng, nhưng nàng còn mừng vì nàng chắc chắn rằng, chị em Xuân – Thu phải ở đấy, và chắc chắn rằng thầy Xuân là ông đồ Duy cũng không vắng mặt. Ông đồ Duy đã ngắm nàng cho Lực là anh hai chị em Xuân – Thu. Ông đồ cũng vẫn định cuối năm nay lo cho xong việc ấy đi. Hiền mới mười sáu, nhưng nàng cả sức nên trông như mười tám, mười chín. Từ ngày cha mẹ cho nàng biết cái việc ông đồ muốn xin nàng cho Lực, cứ gặp Lực đâu là nàng thèn thẹn đến chết người.
Mấy phiên nàng đi chợ lo sắm cỗ cho anh, bu nàng vẫn nói theo : “Con gái bu phải liệu đấy. Làm thế nào để cho mâm cỗ của anh mày được hơn mâm cỗ của chị em con Xuân nó sắm cho thằng Lực thì làm!”.
Cỗ của chị em Xuân – Thu mà đòi hơn được cỗ của nàng! Có đời nào nàng lại chịu kém thế bao giờ. Nàng phải cho Lực biết nàng sẽ là một người vợ xứng đáng của Lực!
Tiếng trống rước thần hàng ngày kéo thời gian chóng đến hôm rã đám. Thấm thoát mới vào đám hôm mồng Bảy, đã mười sáu tháng Tám rồi!
Tối hôm ấy, các ngõ trong làng vắng hẳn tiếng trống quân và những đám rước đèn của lũ trẻ cũng hết. Mọi người già trẻ lớn bé đều đổ xô cả vào đình xem thi cỗ và nghe hát lễ thần.
Đình hôm ấy thật là nhộn nhịp. Đèn nến sáng trưng trên bàn thờ và ở hai bên sân đình. Những mâm cỗ sắp hàng thành từng giáp ở bên cạnh bàn thờ trông vừa đều vừa đẹp. Bên cạnh những mâm cỗ rất cầu kỳ có những mâm cỗ rất giản dị của những người không thích ganh đua hoặc của những người thiếu chị em làm giúp. Nhưng thảy đều tinh khiết, sạch sẽ. Những màu sắc của hoa, của cỗ nổi lên nền sáng nhoáng của mâm đồng. Đây là mâm cỗ sư tử hí cầu, kia là mâm cỗ hai người đô vật là một đôi chim hầm đặt trong bát miến. Năm nay cỗ làm khéo hơn mọi năm. Mâm cỗ được nhiều người để ý đến nhất là mâm cỗ có ông Lã Vọng ngồi câu cá dưới gốc cây bằng hoa huệ, hoa hồng, bên một giòng sông là một khuôn thạch trong, xinh.
Trước khi chấm cuộc thi cỗ, các quan viên và dân làng còn mải nghe bọn con hát ca thờ thần và bọn thập bát thưởng tiền.
Bọn con hát ngồi ở dưới chiếu trước bệ thờ. Hai bên là các cụ và bọn trai thi cỗ. Mỗi lần hát lên một đoạn câu, lại một người con trai mười tám mang tiền ra thưởng. Tiền lấy ở quỹ làng, nhưng người con trai phải dõng dạc gọi bọn con hát ở trước mặt dân :
– Đào nương kia ơi!
– Dạ!
– Quản giáp kia ơi!
– Dạ!
– Trước xuống thờ Đức Thượng đẳng tối linh, sau tiền dân anh thưởng nhé!
– Dạ!
Chỉ có một câu ngắn như thế mà chẳng ai là khỏi nhịu, khỏi nhầm. Sau một tiếng gọi, phải chờ một câu dạ của bọn ca hát mới được gọi câu sau, và sau khi nói hết câu “Tiền dân anh thưởng nhé!” cũng phải chờ tiếng “Dạ!” mới được ném tiền xuống chiếc mâm thau dưới chiếu. Mà phải nói cho nghiêm chỉnh, cấm không được cười.
Trước mặt đông người, nhất là trước mặt các cô thiếu nữ trong làng, cậu trai nào khỏi thẹn để nghiêm trang nói được trơn tru! Nhầm hay nhịu là phải lấy tiền túi ra đền làng và nói lại cho đến khi nào đúng mới thôi.
Bọn thập bát đã thưởng tiền cho đào nương hết lượt, bấy giờ, Hội đồng mới chấm giải cỗ thi.
Đêm đã khuya lắm lắm. Ban Hội đồng lần lượt đi soát từng mâm cỗ, ngắm từng món ăn, bông hoa cài trên bát nấu. Lúc ấy là lúc các cô thiếu nữ đã có công sửa soạn mâm cỗ cho anh hoặc em hồi hộp cũng như cha mẹ các cô.
Ban Hội đồng đã đi suốt hai bên, dừng rất lâu ở những bàn cỗ khéo, xem xét kỹ lưỡng nhất mâm cỗ của Hiền sửa soạn cho Sáu. Ai cũng phải khen những đĩa bánh đúc trong suốt đến hình con phượng trong lòng đĩa. Sao Hiền cảm động thế! Rồi không biết nghĩ thế nào, nàng chạy ra sân đình đứng…
Trong lúc nàng đang hồi hộp thì Xuân và Thu dắt nhau đến khoe : “Chị Hiền ạ, giải Nhất là cỗ của giáp Đông, mâm cỗ của anh Sáu!”.
Hiền thấy nóng bừng đôi bên má…
Toan Ánh – Phong lưu đồng ruộng, 1957