Người Việt Nam ăn uống không cầu kỳ, thế nào cũng xong. Không ăn thịt mấy, ưa dùng các thứ rau : rau muống, rau cải, rau diếp, rau mồng tơi, rau đay, rau sắng…
Người Việt Nam ăn uống giản dị như thế vì chỉ cốt có đủ chất nuôi dưỡng thân thể, tránh bệnh tật, lại rẻ tiền, nấu nướng nhanh và dễ, nhưng không chú trọng vào chỗ cần phải được thích khẩu. Như vậy có nghĩa là “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.
Các thứ rau thường dùng đều là những thứ có nhiều chất tươi, nhiều nhất là lá chè. Mỗi bữa cơm xong, người dân Việt Nam dùng hàng bát lớn nước chè tươi. Một điều nữa chứng tỏ là các bậc tiền bối chọn lựa kỹ lưỡng các vật thực căn cứ vào khoa Đông y trước khi truyền lại cho con cháu : Ấy là ngoài sự khuyên con cháu dùng những thứ có lợi mà rẻ tiền, còn dạy cả cách dùng sao cho khỏi bị hại, ví dụ :
– Ba ba kỵ rau sam, rau dền
– Thịt gà kỵ muối vừng
– Mật mía kỵ chuối hột
– Thịt lươn kỵ cam thảo
– Thịt sẻ kỵ mùi tui, củ tỏi
– Thịt cầy kỵ tàu cau
– Gỏi cá kiêng kinh giới
– Thịt lợn kỵ hoàng hiên
– Thịt dê và đường kỵ bán hạ và xương bồ
– Cá trắm kỵ giấm
– Cá chép kỵ lê lô
– Canh măng kỵ ba đậu (1)…
Để con cháu nhớ mà ưa dùng những thực phẩm bổ ích, lại nêu cao được đức tính cần kiệm, tiền nhân còn đặt ra các câu văn vần cho người đời truyền tụng, chẳng hạn :
– Thịt mỡ mà ăn với cà
Lá mơ tam thể ăn với thịt gà chấm tương.
– Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu em nuôi mẹ già.
– Chồng chê thì mặc chồng chê
Dưa khú nấu với cá trê cũng bùi.
– Cá lẹp kẹp rau mưng
Rau mưng chưng cá lẹp.
– Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Đến đây nên phải đổi buồn ra vui.
– Cá nục nấu với dưa hồng
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi…
Mơ chùa Hương |
Nhiều thực phẩm rất thông dụng, đâu đâu cũng có, hoặc trồng được, hoặc nuôi lấy, hoặc bắt được, làm ra hàng ngày. Nhưng tùy theo thổ ngơi, mỗi địa phương có một thứ nổi tiếng ngon nhất, ví dụ :
Ngoài Bắc phần có :
– Hồng Hạc, cam Hạ (Hạc Trì, Bố Hạ)
– Cam Đoài, bưởi Đoan (xã Đoài, phủ Đoan)
– Vải Hà, nhãn Hưng (Hà Đông, Hưng Yên)
– Bánh giầy quán Ghếnh
– Bánh tẻ cầu Liêu
– Bánh đa quán Gỏi
– Bánh đậu Hải Dương
– Kẹo xìu Hưng Yên
– Giò chả làng Vẽ
– Giơi ngựa Sài Sơn
– Kỳ bành Hiệp Thượng
– Anh vũ Việt Trì
– Cá rô Đầm Sét.
Trong Trung phần có :
– Quýt giấy Hương Cần
– Cam đường Mỹ Lợi
– Vải trạng Cung Diên
– Nhãn lồng Phụng Tiên
– Đào tiên Thế Miếu
– Thanh trà Nguyệt Biểu
– Bánh rợm Cầu Treo
– Bánh bèo Bến Ngự
– Bánh khoái Đông Ba
– Mạch nha Thi Phổ
– Cua gạch Quảng Khê
– Sò nghêu quán Hàu
– Mắm ruốc Cửa Tùng
– Mắm nêm chợ Sãi…
Vào đến miền Nam, có :
– Cam Cái Bè
– Chuối Bến Tre
– Quýt Mỹ Tho
– Bưởi Biên Hòa
– Thơm Bến Lức
– Xoài Sa Đéc
– Sầu riêng Mỏ Cày
– Măng cụt Bình Dương
– Măng le Tây Ninh
– Chôm chôm Long Thành
– Mắm thái Châu Đốc
– Cá gộc Gò Công
– Cá hô Rạch Giá
– Mắm tôm Vũng Tàu…
Phan Xuân Hòa – Theo Việt Nam gấm vóc, 1960
——————————————
(1) Kỵ nghĩa là ăn với nhau một lúc không được. Hai thứ kỵ nhau mà ăn vào, có thứ sinh bệnh, có thứ thành độc dược chết người.