Phụ huynh có thể tự xử lý một số chứng bệnh đơn giản ở trẻ em mà không cần đi khám bác sĩ, tuy nhiên bạn phải theo dõi diễn tiến bệnh chặt chẽ để biết khi nào nên đưa con em đi bệnh viện, tránh những sai lầm đáng tiếc.

Viêm họng

Xử trí: Nếu trẻ bị viêm họng thông thường, hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc cho trẻ uống thuốc làm tê họng dành cho trẻ em để làm dịu cơn đau, ngứa họng lập tức. Sau đó, hãy cho trẻ uống thuốc kháng viêm không steroid dành cho trẻ em để giảm triệu chứng sưng viêm.

Cần lo lắng: Nếu bạn nghi trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus, hãy đưa trẻ đi khám ngay. Viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus thường diễn biến nhanh và dữ dội nhưng không kèm triệu chứng của cảm lạnh. Bác sĩ sẽ xét nghiệm tìm liên cầu khuẩn Streptococcus và cho bạn biết kết quả chỉ trong vòng vài phút.

Đau bụng

Xử trí: Nếu trẻ đau bụng nhưng không có triệu chứng nào khác, chẳng hạn như nôn mửa, cho thấy đây là cơn đau bụng do vi rút dạ dày gây ra, có thể là bạn cần giúp trẻ đi tiêu. Hãy cho trẻ ăn một trái mận Hà Nội hay uống khoảng 120ml nước ép mận Hà Nội. Có thể thay thế mận bằng lê. Nếu trẻ đau bụng vì tâm trạng quấy khóc, cáu kỉnh hay vì đói bụng, hãy cho trẻ ăn bánh quy mặn để vỗ yên dạ dày của trẻ.

Cần lo lắng: Nếu trẻ thường xuyên đau bụng do táo bón, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhuận trường. Nếu trẻ thức dậy nửa đêm mà bị sốt và đau bụng lan sang vùng bụng dưới bên phải thì rất có thể trẻ bị viêm ruột thừa. Cần đưa trẻ đi cấp cứu gấp.

Đau đầu

Xử trí: Cho trẻ đắp một chiếc khăn lau mặt mát, ẩm lên trán. Để ngăn ngừa chứng đau đầu, hãy đảm bảo trẻ trong độ tuổi đi học ngủ đủ 10 giờ mỗi ngày (trẻ ở tuổi vị thành niên cần 9 giờ). Cần bổ sung đạm vào bữa ăn chính lẫn phụ cho trẻ. Tránh cho trẻ ăn đồ ngọt quá nhiều, đặc biệt vào buổi sáng, vì đồ ngọt sẽ gây ra chứng nhức đầu. Nếu trẻ đau đầu nhiều, cho trẻ uống thuốc giảm đau theo lời khuyên của thầy thuốc và cho trẻ ngủ một giấc ngắn vào ban ngày.

Cần lo lắng: Nếu trẻ sốt cao (trên 38oC) hoặc bị cứng cổ kèm đau đầu, nôn mửa hay tỉnh dậy nửa đêm vì đau đầu, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để loại trừ bệnh do vi rút nguy hiểm gây ra, chẳng hạn như viêm màng não.

Xốn mắt

Xử trí: Thông thường bệnh này tự khỏi theo thời gian. Triệu chứng mắt đỏ, xốn ngứa do cảm lạnh thường biến mất cùng với vi rút gây ra chứng bệnh này. Nếu con bạn dụi mắt, nhưng mọi chuyện có vẻ như vẫn ổn, có thể trẻ chỉ bị dị ứng.

Cần lo lắng: Nếu tròng trắng mắt chuyển màu đỏ và mắt có ghèn màu vàng hoặc xanh, có thể trẻ đã bị đau mắt đỏ. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám.

Chảy máu cam

Xử trí: Thấm dung dịch trị nghẹt mũi (nasal-decongestant) dành cho trẻ em, vào một miếng bông y tế và nhét vào trong cánh mũi của trẻ. Loại thuốc này sẽ làm co mạch máu, ngăn sự chảy máu. Cho trẻ hơi ngả đầu về phía trước và bóp chặt hai cánh mũi trong khoảng 5-10 phút.

Cần lo lắng: Nếu mũi chảy máu cam quá 20 phút, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ làm tê cứng mạch máu để ngăn chảy máu và xác định liệu có nguyên nhân sâu sa nghiêm trọng nào gây ra hiện tượng chảy máu cam không.

Da nổi mẩn

Xử trí: Nếu trẻ không có bất kỳ triệu chứng bị nhiễm vi rút nào, hãy tắm cho trẻ bằng sản phẩm chống ngứa sau đó, hãy chụp hình chỗ mẩn đỏ và hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để xác định liệu đây là phản ứng dị ứng hay bệnh chàm bội nhiễm (eczema).

Cần lo lắng: Nếu chỗ mẩn đỏ sưng tấy, trẻ thấy khó nuốt, khó thở hay ngủ gà gật bất thường, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì có thể trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng. Nếu vùng da nổi mẩn tiết dịch, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Chấy rận

Xử trí: Dùng dầu gội trị chấy kết hợp chải tóc bằng lược bí, tuốt trứng chấy. Trên thị trường có nhiều sản phẩm hữu hiệu để trị chấy. Giặt giũ giường chiếu, quần áo, mũ nón của trẻ dùng trong thời gian gần đây bằng nước nóng và phơi ở nơi nắng ráo để diệt chấy. Cho gối và đồ chơi của trẻ vào bì nilon lớn và buộc thật chặt, kín hơi trong vòng 2 tuần. Kiểm tra tất cả mọi thành viên khác trong gia đình.

Cần lo lắng: Nếu mọi biện pháp diệt chấy rận không phát huy tác dụng, hãy đến gặp bác sĩ để bác sĩ kê đơn dầu gội đặc trị.

Bị dằm, gai đâm

Xử trí: Làm tê vùng bị dằm hoặc gai đâm bằng nước đá. Sát trùng da bằng cồn y tế rồi dùng nhíp nhổ dằm/gai ra. Nếu bạn không thể nhổ dằm/gai bằng nhíp, hãy dùng kim đã sát trùng khêu nhẹ da. Cuối cùng, bôi thuốc mỡ kháng sinh. Nếu dằm/gai nằm sau dưới móng, hãy để bác sĩ xử lý.

Cần lo lắng: Khi chỗ bị dằm/gai đâm vào sưng đỏ, có thể vết đâm đã bị nhiễm trùng. Trong trường hợp này, hãy để bác sĩ kiểm tra.

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *