Vitamine B12 có tác dụng duy trì tình trạng khỏe mạnh của tế bào thần kinh và hồng cầu. Song nó cũng rất cần thiết trong việc tạo ra ADN, vật liệu di truyền trong tế bào.
Cụ thể là nó tham gia vào phản ứng tổng hợp thymidylate, một thành phần trong ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào, và trưởng thành của tế bào trong cơ thể. Do đó khi thiếu B12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp rõ rệt lên những dòng tế bào có sự phân bào như các tế bào máu, gây nên rối loạn chức năng tuần hoàn, là thuốc trị hữu hiệu chứng thiếu máu ác tính, thuốc còn có tác dụng lên sự phân bào các tế bào biểu mô, nhất là các tế bào niêm mạc ở ống tiêu hóa. Chính vì vậy sự thiếu B12 còn gây ra làm giảm nhanh độ toan của dạ dày và thậm chí làm màng dạ dày bị teo lại. Thiếu B12 còn gây suy thoái chất myeline, một chất béo là thành phần quan trọng của tế bào thần kinh và gây ra những triệu chứng thần kinh.
Trong thế chiến Thế giới lần thứ II vitamine B12 thiếu trầm trọng vì để tách chiết được 10mg vitamine B12 người ta phải sử dụng tới 1 tấn gan bò, nghĩa là muốn sản xuất 1kg B12 người ta phải cần tới 10 triệu con bò để lấy gan. Vitamine B12 do vi khuẩn tổng hợp từ thiên nhiên, do đó năm 1951 hai nhà khoa học Frieric & Berna đã có ý tưởng điều chế B12 từ nguồn bùn cống rãnh, nhưng việc loại bỏ những tạp chất là vô cùng khó khăn và tốn kém. Sau đó họ cũng đã tìm ra được loại vi khuẩn Propionnibacterium Shermani có khả năng vượt trội trong tổng hợp vitamine B12, mà giá cả lại rẻ.
Các loại thực phẩm như cá thịt (đặc biệt là gan), trứng, sữa, rau quả… đều chứa B12 ở dạng phức hợp với proteine do đó trong chế biến B12 khá bền vững với nhiệt độ. Nhưng khi vitamie C cùng có mặt với B12 sẽ làm cho B12 kém khả năng với nhiệt độ và có thể bị phá hủy với lượng đáng kể. Vitamine B12 được hấp thu ở đoạn cuối của ruột non và được dự trữ trong cơ thể chủ yếu là gan. Ở người bình thường tổng số B12 dự trữ khoảng từ 1 – 10mg và nhu cầu tối thiểu hàng ngày ở mỗi người chỉ bằng 0,1mcg, nhờ vậy mà khi cơ thể không được cung cấp B12 trong 5 năm trở lên thì mới bị cạn kiệt và tình trạng thiếu B12 mới phát sinh những dấu hiệu như đã nói trên.
Một vài loại thực phẩm chứa nhiều B12 thường gặp, chứa trên 10mcg/100g trọng lượng ướt của thực phẩm là các nội tạng gan, thận, tim của cừu, bò, kể cả sò ốc. Loại thực phẩm chứa B12 từ 3 – 10mcg/100g trọng lượng ướt là sữa bột không béo và các hải sản như cua, gan cá thu, cá hồi, cá Sardine, lòng đỏ trứng… Các loại thực phẩm chứa B12 vào lượng vừa như sữa lỏng, kem, bơ. Nguồn B12 chính trong thịt động vật chủ yếu là ở gan, trứng và các thức ăn từ sữa.
Khi thiếu B12 (ít gặp) mà thường thấy ở những người kém hấp thu B12 do các yếu tố nội tại hoặc mất chức năng hấp thu ở đoạn cuối của tiểu tràng. Nhưng hay gặp nhất ở những người ăn chay kéo dài, hoàn toàn không ăn thịt, cá, trứng, sữa trong nhiều năm. Người mắc bệnh dạ dày hay cắt bỏ hoàn toàn dạ dày hay niêm mạc dạ dày bị teo; những người mắc bệnh tại tiểu tràng nhất là đoạn cuối như bệnh Celiac, bệnh Sprue, bệnh viêm ruột vùng, cắt đoạn ruột hay đã nối ruột do tắc v.v. Những người thường uống vitamine C kéo dài nhiều năm.
Tình trạng khi thiếu B12 thường xuất hiện các triệu chứng đặc trưng khi xét nghiệm là hình ảnh nguyên bào khổng lồ, người xanh xao, yếu, dễ mệt, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu, khó thở, ngất xỉu. Các biểu hiện trên thần kinh như cảm giác tê rần, nhột như kiến bò, đi đứng xiêu vẹo, trí óc giảm sút. Ngoài ra còn thấy lở lưỡi, đau lưỡi, táo bón, hạ huyết áp… Khi được trị liệu thì các triệu chứng thần kinh vẫn cải thiện chậm.
Vitamine B12 có chức năng quan trọng đối với cơ thể như vậy, nhưng chớ lạm dụng vì là thuốc nên việc sử dụng phải khoa học và có chỉ định của thầy thuốc. Nếu không chịu tuân thủ, cứ tự động dùng nhiều có khi dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe như có khả năng làm tăng sinh tế bào máu khiến trở thành bệnh về máu.
Theo Nông nghiệp, netlife