Bệnh sởi đang có nguy cơ lây lan rộng và chưa dứt hẳn. Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng vì con mình vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Hãy cùng xem cách phòng tránh bảo vệ con trước dịch sởi này.
1. Cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa là việc mà hầu như bà mẹ nào cũng làm hàng ngày khi nhà có con nhỏ. Tuy nhiên, trong mùa dịch, càng cần phải chú ý và coi trọng việc này hơn nữa. Quét, lau nhà bằng nước lau nhà tiệt trùng ít nhất 1 lần/ngày, cọ rửa khu vệ sinh gia đình, lau chùi kỹ các đồ vật bé hay chạm tay vào như: đồ chơi, tay nắm cửa, thành giường…, thay chăn, ga, màn, vỏ gối sạch ít nhất 1 lần/tuần (nếu bị bẩn cần thay ngay).
2. Cho con uống đủ nước
Uống đủ nước (nước đun sôi để nguội) được đánh giá là một trong những cách đơn giản, hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất để phòng bệnh. Bởi nước thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể của con ra bên ngoài.
Có thể cho con uống thêm nước cam, chanh, bưởi ép hoặc nước hoa quả có chứa nhiều vitamin A, vitamin D để bổ sung khoáng chất và tăng cường sức đề kháng.
3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn; tắm, gội đầu sạch sẽ hàng ngày; thay quần áo sạch ít nhất 1 lần/ngày; lau người, chân, tay trước khi đi ngủ; vệ sinh răng miệng với nước muối hoặc kem đánh răng… là những việc tối thiểu phải thực hiện cho con để đảm bảo bé luôn được vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không chỉ các bé mà những việc trên cũng áp dụng cho cả cha mẹ bởi rất có thể bạn sẽ là tác nhân trung gian truyền bệnh cho con do tiếp xúc với nhiều người ở môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, bạn nên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn và thay quần áo trước khi ôm ấp, tiếp xúc với con khi vừa đi từ ngoài về. Nếu nghi trong ngày có tiếp xúc với người đang có con hay người thân bị bệnh thì tốt nhất nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ và giặt riêng quần áo của ngày hôm đó (cẩn thận thì luộc quần áo trong nước sôi là an toàn nhất) rồi mới tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ.
4. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con
Ăn nhiều rau tươi, trái cây và thực phẩm chứa nhiều chất kẽm là chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con trong mùa dịch bởi đây là thực đơn có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch cho bé. Ngoài ra, cũng nên bổ sung cho bé sữa chua, sữa tươi, trứng gà… hàng ngày.
Ngoài ra, các bé đang bú mẹ dù đến tuổi ăn dặm hay chưa vẫn cần duy trì việc bú mẹ hàng ngày một cách ổn định để nhận đảm bảo dinh dưỡng và nhận được các kháng thể tự nhiên từ mẹ.
5. Đảm bảo con ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ khiến con dễ bị mệt và mắc bệnh hơn do bị giảm các tế bào xung kích tự nhiên có tác dụng tấn công vi khuẩn. Nên cho con ngủ trong môi trường yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng đãng để đảm bảo cả chất và lượng của giấc ngủ.
Cho bé ngủ theo nhu cầu bản thân nhưng cũng nên biết khoảng thời gian ngủ chuẩn theo từng độ tuổi của trẻ nhỏ như sau: bé sơ sinh cần ngủ 18 giờ/ngày, bé 1 – 2 tuổi cần 12 – 13 giờ/ngày, các bé lớn hơn thì thời gian ngủ giảm dần nhưng cần đảm bảo ít nhất 8 – 9 giờ/ngày.
6. Tránh lại gần khu vực ổ dịch
Trừ trường hợp bất khả kháng, còn nếu nên tránh lai vãng ở các khu vực có ổ dịch hoặc các bệnh viện, trung tâm y tế tập trung đông bệnh nhân. Khi ra đường, cần bịt khẩu trang mọi lúc mọi nơi cho cả con và bạn. Chú ý không đến thăm người bệnh hoặc người có con bị bệnh để tránh trở thành tác nhân trung gian truyền bệnh cho bé nhà mình. Bạn có thể điện thoại hỏi thăm và giải thích lí do để người thân, bạn bè thông cảm.
7. Không đưa con đến chỗ đông người
Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe, khu vui chơi giải trí và những địa điểm công cộng tập trung nhiều người là những nơi rất dễ có mầm bệnh gây hại cho các bé. Ngoài ra, nếu sắp xếp được, có thể cho con tạm nghỉ học ở nhà chờ hết dịch là tốt nhất.
8. Duy trì thời gian vận động hàng ngày của con
Đùa nghịch, chơi đồ chơi và các trò chơi vận động hàng ngày là hoạt động cần thiết để bé phát triển tư duy và thể chất. Vì thế, dù đang là mùa dịch, cũng không nên cấm bé chơi đùa và “nhốt” bé trong nhà hoàn toàn. Thay vào đó, hãy tổ chức các trò chơi vận động “tại gia” ở trong phòng hoặc sân nhà, vườn nhà (nếu có). Có thể đưa con đến các không gian công cộng như vườn hoa, công viên có không gian thoáng đãng và không có quá nhiều người qua lại.
9. Không tùy tiện cho con uống thuốc
Nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh và dị ứng không được cho trẻ nhỏ uống một các tùy tiện, dù là theo đơn thuốc cũ của bác sĩ. Bởi với mỗi bệnh ở mỗi thời điểm, giai đoạn tuổi khác nhau lại yêu cầu liều lượng riêng biệt. Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng có thể cho con uống thêm vitamin A, vitamin D trong thời gian có dịch để tăng sức đề kháng, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ là tốt nhất.
10. Quan sát biểu hiện bất thường của con
Bình thường bạn chú ý đến con 1 thì trong mùa dịch mứ độ phải tăng lên 10. Với mỗi biểu hiện lạ của con dù nhỏ như nổi nốt, thân nhiệt tăng, chán ăn, cáu gắt… cũng cần “cảnh giác” cao độ. Trong thời buổi dịch bệnh biến chứng khôn lường như thế này, những gia đình có con nhỏ nên cẩn thận hơn.
11. Nắm bắt thông tin dịch bệnh
Nghe có vẻ chẳng liên quan nhưng đây là việc không kém phần quan trọng. Bạn cần phải biết một số thông tin cơ bản như: biểu hiện của bệnh, cách phòng tránh và chữa trị, vacxin tiêm phòng, độ tuổi hay mắc phải, khu vực có ổ dịch, tình hình diễn biến của dịch… để có thể bảo vệ tốt nhất cho đứa con thân yêu của mình.
Theo Lamsao