Người bị gout, phong hàn thấp, suy tim, thiểu năng động mạch vành, xơ vữa động mạch, rối loạn tiêu hóa thì không nên uống nước quá lạnh, nhất là uống trong bữa ăn.

Trong cơ thể con người, nước có vai trò rất quan trọng vì nó là thành phần chủ yếu của tế bào và các tổ chức khác, là môi trường cho các phản ứng hóa học tạo ra quá trình sống. Bình thường, nước chiếm 45% đến 60% trọng lượng cơ thể

Thiếu, thừa đều bất lợi

Nếu uống không đủ nước hoặc cơ thể vì một lý do nào đó mà bị mất nhiều nước (đổ nhiều mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, mất máu… ) mà không kịp bù đủ thì chức năng hoạt động của thận suy yếu, tóc dễ bị gãy rụng, da khô, nhăn nheo, người mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, mất tập trung, dễ bị táo bón, sỏi thận, sỏi mật, đau nhức các khớp, người cao tuổi dễ bị cườm mắt. Ngược lại, nếu uống vượt xa yêu cầu của cơ thể thì máu và các chất trung gian sẽ loãng dẫn tới hiện tượng ngộ độc nước gây choáng, nhức đầu, thậm chí có thể hôn mê, với người cao huyết áp thì có nguy cơ bị đột quỵ.

Vậy, để gọi là uống nước hợp lý, bạn cần thực hiện như sau :

Mỗi ngày cần từ 40 đến 50 ml/ kg cân nặng

Bình thường, hằng ngày cơ thể chúng ta tiếp nhận nước từ thức uống (1,5 đến 2 lít), từ thức ăn (0,5 đến 0,8 lít), từ các phản ứng chuyển hóa ở tế bào (0,3 đến 0,4 lít). Các nhà khoa học khuyên rằng, mỗi ngày, cơ thể nên hấp thu một lượng nước từ 40 đến 50 ml/ kg cân nặng là được. Nếu lượng nước hấp thu tương đương với lượng nước bài tiết thì tình trạng này được gọi là sự cân bằng trong trao đổi nước hằng ngày của cơ thể, bảo đảm duy trì cuộc sống bình thường.

Buổi sáng sớm, sau khi đánh răng, rửa mặt nên uống chừng 0,3 lít nước đun sôi để nguội, uống từng ngụm nhỏ, càng chậm càng tốt. Việc này giúp tinh thần tỉnh táo, thư thái, kích thích hoạt động của hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu.

Trong ngày nên uống nước thường xuyên lúc làm việc, lượng nước khoảng 1 đến 1,5 lít và uống từng ngụm nhỏ. Có thể dùng nước sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước trà, nước ép trái cây, các loại sữa… nhưng lưu ý người có thể tạng hàn hay lạnh bụng, dễ tiêu chảy thì nên uống nước ấm, có thể thêm ít gừng để uống.

Nếu muốn giải nhiệt thì có thể dùng nước mát, nhưng không uống nước đá lạnh vì sẽ gây bất lợi cho răng, miệng, hầu họng, dạ dày. Người bị bệnh gout, phong hàn thấp hay đau nhức các khớp, suy tim, thiểu năng động mạch vành, xơ vữa động mạch, rối loạn tiêu hóa… thì không nên uống nước quá lạnh, nhất là uống trong bữa ăn.

Vào buổi chiều tối có thể dùng nước dưới dạng nước canh (rau, củ, quả), sữa các loại, chè trái cây… để giúp dễ ngủ. Trước khi đi ngủ, nên uống 1/2 đến 1 ly nước (ngoại trừ những người hay bị tiểu đêm).

Trước bữa ăn 30 phút có thể uống 1/2 đến 1 ly nước sẽ có lợi cho tim và não, chống mất ngủ, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng trí nhớ, tăng cường hoạt động của dạ dày, phổi, giảm dị ứng, ngừa ung thư. Sau khi ăn chỉ nên súc miệng và uống vài ngụm nước nhỏ. 40 đến 60 phút sau bữa ăn mới uống nước để không làm loãng các dịch tiêu hóa. Không nên vừa ăn vừa uống nước các loại, ngoại trừ một ít rượu nho để kích thích tiêu hóa.

Nước tiểu màu vàng hoặc vàng sẫm chứng tỏ cơ thể đang thiếu nước, cần uống nước liền, không đợi khát mới uống. Vào mùa nóng nực, mồ hôi ra nhiều cần bổ sung lượng muối trong các loại nước uống. Mùa giá rét, tuy không ra mồ hôi nhưng vẫn cần uống đầy đủ nước theo yêu cầu bình thường của cơ thể.

Người tập luyện thể dục thể thao nên uống 1 ly nước lọc, nước trái cây hoặc nước tăng lực, nước trà, nước chanh… trước khi tập luyện. Sau luyện tập nên uống nước khoáng, nước trái cây để bù lượng nước mất do ra mồ hôi.

Không phải cứ nước mưa là tốt

Trong tất cả các loại nước uống, nước sôi để nguội và nước lọc vẫn được coi là tốt nhất. Miễn sao đạt được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cần thiết : không màu, không mùi, không vị, không hòa lẫn các tạp chất, các chất vi lượng độc hại.

Trong các loại nước lấy từ tự nhiên, ngoài nước sạch đã được xử lý ở các nhà máy lọc nước, nước mưa được coi là tốt nhất. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường không khí ngày càng bị ô nhiễm bởi khói bụi nên khi thu hứng nước mưa cần lưu ý bỏ qua một vài cơn mưa đầu mùa, làm thật sạch máng xối. Gặp cơn mưa lớn cũng nên chờ 10 đến 15 phút sau mới bắt đầu hứng, chứa vào các lu vại sạch, đậy kín hoặc cho vào các bể chứa. Không hứng nước mưa từ các mái tôn fibro xi-măng, mái tôn đã gỉ sét hoặc các mái lá nhiều rác bụi.

Tóm lại, biết cách uống nước hợp lý sẽ giúp chúng ta phòng tránh được nguy cơ dẫn đến nhiều loại bệnh tật.

 
Lương y Đinh Công Bảy – Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *