Các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy trẻ thiếu ngủ trong giai đoạn thơ ấu (từ 6 tháng đến 6 tuổi) có thể đối diện với sự gia tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì ở thời điểm bảy tuổi. Đó là kết quả từ cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Bệnh viện Đa khoa Trẻ em Massachusetts (MGHfC), Mỹ, vừa được công bố trên Tạp chí Pediatrics (Mỹ).

 

Trẻ thiếu ngủ dễ bị thừa cân và béo  phí. Ảnh internet

 

Elsie Taveras – bác sĩ y khoa, Trưởng Khoa Nhi Tổng quát ở MGHfC – người chủ trì nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện các bằng chứng thuyết phục rằng, tình trạng trẻ thiếu ngủ trong thời thơ ấu là một yếu tố nguy cơ độc lập và mạnh mẽ gây nên chứng béo phì và bệnh béo phì sau này”.

Trong nghiên cứu, bác sĩ Taveras và các cộng sự đã tiến hành phân tích dữ liệu từ Dự án Viva – một cuộc điều tra lâu dài về một số yếu tố trong quá trình mang thai và sau khi sinh tác động đến sức khỏe của trẻ.

Thông tin được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ các cuộc phỏng vấn các bà mẹ về tình trạng sức khỏe của con cái họ tại các thời điểm trẻ được 6 tháng tuổi, 3 tuổi và 7 tuổi.

Trong số các câu hỏi khảo sát, các bà mẹ được hỏi con cái của họ ngủ thời gian trung bình bao nhiêu mỗi ngày (ngủ đêm và ngày)? Ở thời điểm trẻ được 7 tuổi, các nhà nghiên cứu tiến hành đo lường không chỉ chiều cao và thể trọng, mà còn đánh giá mức chất béo trong cơ thể, chất béo bụng, khối lượng cơ nạc, chu vi vòng eo và hông… của chúng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những trẻ có thời gian ngủ ít nhất, liên quan đến mức cao nhất ở tất cả số đo phản ánh tình trạng béo phì, bao gồm cả mức chất béo bụng được đánh giá là nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng thiếu ngủ ở trẻ được ghi nhận là khi trẻ ngủ ít hơn 12 giờ mỗi ngày trong giai đoạn từ 6 tháng đến 2 tuổi; ít hơn 10 giờ mỗi ngày trong giai đoạn từ 3-4 tuổi và ít hơn 9 giờ mỗi ngày trong giai đoạn từ 5-7 tuổi.

Nguồn: Nguyễn Niệm ( Topnews / Phunuonline )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *