Thiếu chất dinh dưỡng trong giai đoạn từ một đến 3 tuổi làm cho các cơ quan chậm phát triển, bao gồm cả hệ cơ xương ảnh hưởng đến tầm vóc của và thể lực của các em sau này.
Chậm tăng cân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa: News. |
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, mỗi đứa trẻ có các mốc phát triển khác nhau tùy thuộc vào nguồn dinh dưỡng hàng ngày, chế độ vận động và sinh hoạt. Đặc biệt từ một đến 3 tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng quyết định khả năng phát triển của trẻ. Không ngẫu nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng gọi đây là “giai đoạn vàng” bởi thực tế cho thấy các chỉ số phát triển như cân nặng, chiều cao và trí não của một người phụ thuộc rất lớn vào 3 năm đầu đời.
Theo quy luật tăng trưởng, các chỉ số về cân nặng và chiều cao của trẻ giai đoạn này tăng chậm hơn trước nhưng dù sao vẫn tăng. Bé có thể bị suy dinh dưỡng nếu không tăng cân liên tục trong vòng 3 tháng hoặc có chỉ số cân nặng và chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn bình thường theo lứa tuổi.
Chậm tăng cân là những biểu hiện của tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho việc phát triển thể trạng của trẻ. Cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất sẽ là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, khiến trẻ dễ mắc bệnh, khi bị bệnh thường lâu khỏi hơn, cơ thể suy nhược. Cứ như thế càng làm cho tình trạng chậm tăng cân kéo dài, nặng nề, khó khắc phục và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu chất dinh dưỡng làm cho các cơ quan của cơ thể chậm phát triển, bao gồm cả hệ cơ xương, từ đó ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ. Vấn đề sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi trẻ từ một đến 3 tuổi bởi đây là giai đoạn bé phát triển rất nhanh và cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn.
“Giai đoạn vàng” không những quan trọng trong hành trình phát triển thể chất mà còn là thời điểm khởi đầu để trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh. Đối với sự phát triển trí não, các dưỡng chất cần thiết như sắt, béo, sắt, iốt, DHA, Taurine… không được cung cấp đủ sẽ làm cản trở quá trình hoàn thiện của bộ não. Trẻ có thể bị lờ đờ, chậm phát triển, giao tiếp xã hội thường kém kéo theo nhiều hệ lụy sau này.
Để phòng suy dinh dưỡng trong giai đoạn vàng, ngoài chế độ ăn bình thường, phụ huynh có thể bổ sung thêm những dưỡng chất thiết yếu từ sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm giúp bé tăng cân khỏe mạnh. Cần cung cấp đầy đủ và cân đối nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong từng giai đoạn phát triển. Chế độ ăn phải bảo đảm đủ năng lượng và có đủ các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao là chất đạm, canxi, kẽm, sắt, iốt, vitamin A, D, E.
Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao. Theo sinh lý, hormone tăng trưởng giúp phát triển chiều cao được não bộ tiết ra mạnh và đầy đủ nhất từ 23h đêm đến 1-2h sáng với điều kiện bé đã ngủ sâu. Giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Vì vậy trẻ con phải ngủ sớm trước 22h, trên 8 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi cần ngủ dài hơn, trung bình từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
Nguồn: Trần Ngoan ( VnE )