(THVL) Một liệu pháp tâm lý giúp điều trị bệnh nghiện trò chơi trực tuyến ở Mỹ
03/11/2011Ngày nay, trò chơi trực tuyến, thường được gọi là game online được xem là loại hình giải trí ưa chuộng của nhiều người, tuy nhiên trò chơi trực tuyến cũng có mặt trái khi ngày càng có nhiều người nghiện chúng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Một chuyên gia tâm lý ở Mỹ đã tìm ra một liệu pháp giúp những người nghiện game online hạn chế tối đa cơn nghiện và hòa nhập vào cộng đồng.
![]() |
Ảnh minh họa (Internet) |
Nicholas Scheid ở Hartford, bang Connecticut của Mỹ từng là một học sinh giỏi nhưng cách đây một năm, điểm số trong học tập của Nick, tên gọi thân mật của Nicholas Scheid, đã giảm đáng kể. Sự sa sút trong học tập bắt đầu từ khi Nick được tặng một máy tính xách tay. Dần dần, cậu đã trở thành một người nghiện game, tức nghiện chơi trò chơi trên máy tính. Mỗi ngày, cậu dành hơn 6 giờ đồng hồ để chơi trò chơi trực tuyến.
Nick cho biết cậu không muốn rời máy tính vì các trò chơi luôn cuốn hút mình. Khi được hỏi cậu cảm thấy thế nào khi không chơi game, Nick trả lời: “Cháu có cảm giác bồn chồn, khó chịu. Nếu không được chơi game, cháu rất buồn chán. Vì thế cháu chơi game hàng giờ liền và rời xa mọi người ở thế giới thực.”
Cha mẹ của Nick không khỏi lo lắng đối với đứa con trai bị nghiện game của mình. Họ cố gắng kiểm soát thời gian cậu chơi game bằng cách áp đặt các quy tắc rất khắc khe. Tuy nhiên, điều này đã không giúp Nick bớt nghiện trò chơi điện tử mà còn khiến cậu khó chịu. Cô Roslyn, mẹ của Nick cho biết: “Cháu tỏ ra bực tức và nằng nặc đòi phải được chơi game thật nhiều… Một ngày nọ, Nick kiệt sức vì chơi game quá lâu. Cháu đã khóc và nói rằng mình quá đuối đến nỗi không thể cầm được một vật gì cả…”
Khi đó, gia đình Nick đã đưa cậu đến một trung tâm chữa bệnh nghiện trò chơi điện tử bằng liệu pháp tâm lý do chuyên gia David Neil Greenfield đảm trách. Giờ đây, Nick đang được điều trị chứng nghiện game. Cậu cho biết đã không chạm đến máy tính trong hơn một tháng qua.
Chuyên gia Greenfield đã sử dụng một liệu pháp tâm lý mà ông gọi là “tái xử lý và gây tê hoạt động của mắt” để trị chứng nghiện game của Nick. Ông đặt một thiết bị điện có các bóng đèn chiếu sáng ở phía trước mặt Nick để cậu tập trung quan sát và dõi mắt theo chuyển động của ánh đèn. Phương pháp này giúp điều chỉnh lại hoạt động bộ não của cậu sau thời gian bị rối loạn do chứng nghiện game gây ra.
Bên cạnh liệu pháp trên, Nick còn tham gia các hoạt động ngoài trời với bạn bè, gia đình và cậu cho biết cậu không còn bị cuốn hút vào các trò chơi điện tử nữa.
Anh Dũng