Não dùng càng nhiều càng phản ứng nhanh nhạy nhưng nếu quá độ lại có thể làm cho não trở nên “ngu ngốc”. Một cuộc khảo sát tại thành phố Thượng Hải-Trung Quốc cho thấy có tới 60% có thói quen làm việc về đêm, 80% trong số này mắc bệnh “mệt não”.

3 loại người dễ mệt não

Theo BS Thôi Hải Tùng – Phó chủ nhiệm khoa Sức khoẻ, bệnh viện Đồng Tế, thuộc trường ĐH Đồng Tế, có 3 loại người dễ mắc bệnh mệt não. Loại thứ nhất là người có cá tính mạnh mẽ, những người này không cho phép mình “thua” hoặc theo sau người khác. Loại thứ hai là những người luôn theo đuổi “sự hoàn mỹ”, suy nghĩ công việc và cách làm đều rất toàn diện và chi tiết, không muốn bỏ sót hay sơ suất. Loại thứ 3 là những người thích cạnh tranh, tư tưởng “ta phải thắng” lúc nào cũng thường trực trong tâm trí họ.

Còn một yếu tố không thể xem nhẹ đó là internet ngày càng phổ cập. Khoa học chứng minh, khả năng tiếp nhận tin tức của não bộ thật đáng kinh ngạc, trong khoảng 1/10 giây, não bộ có thể tiếp nhận 1.000 đơn vị thông tin. Nếu trong quãng thời gian ngắn tiếp thu một lượng thông tin cực lớn, não bộ sẽ bị những thông tin “hỗn tạp” can thiệp từ đó dẫn tới bệnh lý. Vì vậy, bác sỹ Thôi Hải Tùng nhấn mạnh, sự phát triển và tiến bộ của khoa học đem lại cho chúng ta nhiều tiện lợi nhưng cũng làm cho chúng ta xem nhiều, đọc nhiều, nghĩ nhiều, từ đó trực tiếp gây ra mệt não.

Biểu hiện của mệt não

Biểu hiện đầu tiên của mệt não là mất ngủ. Trong thời gian dài, năng lượng của não bộ bị tiêu hao nhiều, não thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, tức là hưng phấn quá độ, gây ra khó ngủ.

Thứ hai là khi não quá mệt mỏi, lượng máu lưu thông trong não sẽ tăng lên, đặc biệt là những người tầm độ tuổi 40, trong thời gian dài để cho não bộ ở trong trạng thái mệt mỏi thì sẽ tăng thêm nguy cơ bị đột quỵ.

Thứ ba, nếu sử dụng não quá độ và liên tục trong thời gian dài, nhẹ thì sẽ xuất hiện một số vấn đề về tâm lý như: tâm trạng không ổn định, vô cớ nổi nóng, buồn bã… Nặng thì sẽ dẫn đến chứng bất an lo lắng và chứng trầm cảm. Điều này là do dùng não quá nhiều sẽ làm cho khả năng ức chế xúc cảm của thần kinh trung ương giảm thấp, khả năng đối phó với áp lực bên ngoài cũng theo đó bị suy giảm, từ đó gây ra chứng trầm cảm.

Làm thế nào để não thư giãn?

Thay đổi một chút thói quen sinh hoạt. Một nghiên cứu của Anh chỉ rõ, nếu đổi tay khác đánh răng, nhắm mắt khi tắm, thay đổi đường đi làm, chơi game đố chữ, nghe nhạc… thì não sẽ bớt mệt mỏi.

Ra ngoại ô câu cá. Lao động miệt mài trong thời gian dài làm cho não thể mất cân bằng, tiếp cận với môi trường tự nhiên là một phương thức rất tốt để cho não nghỉ ngơi, đặc biệt là ra vùng ngoại ô, nơi có không khí trong lành để câu cá, cảm thụ được sụ yên bình và thoải mái, làm cho não ở trong trạng thái được thư giãn và nghỉ ngơi.

Tập luyện thể thao. Bạn có thể đến phòng tập thẩm mỹ, có thể tập ngoài trời. Mỗi ngày kiên trì vận động khoảng 30 phút, ví dụ như chạy bộ, đi bộ nhanh, thể dục thẩm mỹ, tập thể hình đều tốt.

Thực phẩm giàu vitamin A và kẽm. Thường ngày ăn nhiều gan động vật, thịt nạc, lòng đỏ trứng, các loại đậu, các loại rau xanh, cà rốt…

Thường xuyên nói chuyện tán gẫu với mọi người. Như thế không những có thể chuyển hướng sự tập trung mà còn có thể kịp thời “tiêu tán” những cảm giác bực bội, khó chịu ẩn sâu trong lòng, giảm bớt được nguy cơ mắc bệnh thần kinh.

Theo dantri

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *