Vì nhiều lý do, mắt của một số chị em phụ nữ không có được đặc tính long lanh và để “chữa cháy” nhiều người đã cầu viện thường xuyên đến nước mắt nhân tạo. Thói quen này liệu có làm hại mắt?
Thực ra mắt chúng ta luôn phải long lanh bởi có một lớp nước rất mỏng (phim nước mắt) bao phủ bề mặt nhãn cầu với vai trò làm sạch mắt, diệt khuẩn, bảo đảm giác mạc trong suốt, duy trì chức năng thị giác. Nếu vì lý do nào đó, tuyến nước mắt không tiết đủ nước mắt để tạo lớp phim nước mắt, ta sẽ bị chứng gọi là khô mắt hay tình trạng phim nước mắt không ổn định.
Những người dễ bị khô mắt
Khi khô mắt sẽ có một số triệu chứng: cảm giác khô, thậm chí rát bỏng ở mắt, xốn như bị dị vật trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ… Lưu ý có một số đối tượng có nguy cơ cao bị khô mắt là phụ nữ tiền mãn kinh, người già, người đeo kính tiếp xúc (contact lens), người đã mổ Lasik điều trị cận thị, người bị bệnh lý ở kết mạc hoặc tuyến lệ…
Người làm việc văn phòng, sử dụng thường xuyên máy tính cũng dễ bị khô mắt, ngoài chứng mỏi mắt. Đặc biệt sử dụng một số thuốc cũng dẫn đến khô mắt. Thuốc được lưu ý thận trọng nhiều nhất là isotretinoin (Roaccutance, Accutance, Isotina, Acnotin…), ngoài tác dụng điều trị trứng cá nặng, isotretionin là thuốc rất độc, có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi trong bụng mẹ và làm khô mắt, khô miệng…
Trong nước mắt nhân tạo có gì?
Để điều trị khô mắt, ngoài xử lý triệt để nguyên nhân, điều quan trọng là phải dùng thuốc thay thế một phần nước mắt tự nhiên, gọi là nước mắt nhân tạo. Hiện trên thị trường có nhiều loại chế phẩm nước mắt nhân tạo và để đóng tốt vai trò của nước mắt tự nhiên, các chế phẩm này có chung một hay nhiều thành phần sau:
Chất tăng độ nhầy: thường được gọi chung là hydrogel, đây chính là thành phần chủ yếu của nước mắt nhân tạo. Bản chất của hydrogel là hợp chất cao phân tử (polymer) nên có tác dụng hút giữ nước, tạo độ nhầy, giữ nước mắt nhân tạo lưu lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu, duy trì độ ẩm, giúp khắc phục tình trạng khô mắt.
Chất hút nước: glycerin 1%, có tác dụng giữ nước lâu trên bề mặt nhãn cầu.
Các chất khoáng: Nước mắt nhân tạo có thể chứa các chất khoáng vốn có ở nước mắt tự nhiên như kali, natri, canxi, magiê… Sự hiện diện của chất khoáng còn nhằm giúp nước mắt nhân tạo có độ đẳng trương giống như nước mắt tự nhiên, để khi nhỏ không làm xốn mắt.
Chất bảo quản: trên thị trường có loại nước mắt nhân tạo sử dụng đơn liều (tức lọ chứa lượng thuốc chỉ dùng một lần), không chứa chất bảo quản nhưng lại đắt tiền. Còn đa số là loại dùng đa liều (tức dùng nhỏ mắt nhiều lần), bắt buộc phải thêm chất bảo quản để tránh nhiễm vi sinh vật khi mở lọ thuốc và dùng kéo dài. Chính các chất bảo quản này làm cho người dùng nước mắt nhân tạo dễ bị dị ứng.
Hai thái cực sử dụng cần tránh
Sử dụng nước mắt nhân tạo chính là sử dụng thuốc nhỏ mắt. Vì vậy nên lưu ý, thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc đặc biệt, được bào chế đạt các tiêu chuẩn đẳng trương (phải đẳng trương với nước mắt mới làm mắt cảm thấy dễ chịu), vô khuẩn (không chứa các loại vi khuẩn), trung tính (dung dịch nhỏ mắt không có tính axit hay tính kiềm gây xốn mắt). Vì vậy, chỉ nhỏ vào mắt các chế phẩm đúng là thuốc nhỏ mắt.
Có hai thái cực cần tránh, một là nếu mắt không có việc gì thì không nên dùng nước mắt nhân tạo nhỏ thường xuyên kéo dài với mục đích làm cho mắt long lanh, đẹp hơn. Bởi vì làm như thế vừa tốn tiền lãng phí, vừa có nguy cơ bị hại mắt do thuốc có vấn đề về chất lượng hoặc do thủ thuật nhỏ thuốc vào mắt không đúng. Hai là khi thật sự bị chứng khô mắt nhưng lại chữa qua loa vì cứ tưởng bị bệnh lý nhãn khoa khác như viêm kết mạc, giác mạc… Nên lưu ý, điều trị khô mắt có thể là quá trình lâu dài, khi đó nước mắt nhân tạo là thuốc hỗ trợ trong phác đồ điều trị. Đặc biệt có nhiều trường hợp người bệnh không nên chủ quan tự ý dùng thuốc mà nên sớm đến bác sĩ nhãn khoa để chẩn đoán đúng bệnh và cho hướng điều trị thích hợp.
Khi dùng nước mắt nhân tạo vẫn có thể bị tác dụng phụ như kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, dị ứng gây đỏ mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi… Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ. Khi mở lọ thuốc, không để đầu lọ chạm vào bất cứ bề mặt nào, nhằm tránh nhiễm bẩn và nhớ đậy nắp lại ngay sau khi dùng. Ngừng dùng ngay nếu quan sát thấy thuốc bị đổi màu hoặc trở nên vẩn đục. Ngay sau khi mở lọ thuốc, chỉ dùng trong 15 ngày, sau 15 ngày nếu còn thừa phải bỏ đi và dùng lọ thuốc mới bởi dung dịch còn thừa có thể đã bị nhiễm khuẩn.
Theo dantri