Không khóa van bình gas sau khi sử dụng, dùng bếp đã rỉ sét hoặc có nhiều cặn thức ăn lưu cữu… là những sai lầm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Thường xuyên sử dụng bếp gas nấu thức ăn nhưng mọi người trong gia đình chị Thanh Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM) có thói quen không siết van đóng bình gas ngay sau khi sử dụng. "Một phần vì lười với tay vào gầm tủ để vặn van gas, hơn nữa tôi nghĩ chỉ cần tắt bếp là gas không thoát ra ngoài nữa nên chắc không nguy hiểm gì", chị Hà giải thích.
Còn chị Trang (Đồng Nai) dù không đến nỗi "ẩu" như thế nhưng vì tiết kiệm nên không nỡ thay chiếc bếp cũng như dây dẫn cũ xài gần 7 năm nay. Nhiều hôm đang ngủ ngửi thấy mùi gas, chị lo lắng định thay mới chiếc bếp nhưng lại nghĩ "chắc bà hỏa chưa tìm đến nhà mình" nên thôi. "Từ đó đến giờ chưa xảy ra sự cố gì nên chưa thay vội. Với lại tôi cũng kiểm tra không thấy vết rò rỉ, trầy xước gì", người mẹ trẻ biện minh việc chưa thay bếp và dây dẫn gas mới.
Ảnh minh họa: ehow.
Theo quan sát của anh Nguyễn Quang Tùng, chuyên gia về khí hóa lỏng tại TP HCM, do diện tích nhà phố nhỏ hẹp nên hầu hết hộ dân ở thành phố đặt bình gas ở góc bếp kín khí. Đây là sai lầm phổ biến nhất, bởi đa phần những vụ tai nạn nguy hiểm xảy ra khi dùng bếp gas, bình gas trong phòng kín.
"Nếu gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy ôxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy", anh nhận xét.
Với kinh nghiệm gần 10 năm làm việc trong lĩnh vực an toàn sử dụng khí hóa lỏng, anh Tùng khuyến cáo người dân nên tuân thủ một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng khí gas đun nấu như sau:
– Chọn mua loại bình gas của các công ty, đại lý uy tín. Tránh mua thiết bị sử dụng gas, bình gas ở những cửa hàng "không tên tuổi" bởi có thể đó là những sản phẩm sang chiết lậu. Bình gas mới phải được nạp đúng khối lượng ghi trên vỏ bình, không thừa hoặc thiếu quá 0,1 kg. Quan sát bằng mắt thường, bình phải còn nguyên vẹn, không trầy xước, không hoen rỉ hay móp méo.
– Đặt bình gas ở chỗ thông thoáng, khí gas nặng hơn không khí nên khi thoát ra ngoài sẽ tràn xuống dưới đất, vì thế bên dưới tủ bếp chỗ để bình gas nên để thoáng. Bình gas phải được đặt cách bếp từ 1 đến 1,5 m. Dù nhà hẹp cũng không được đặt bình gas ngay dưới bếp. Cửa tủ đặt bình gas phải luôn luôn được mở, hoặc tháo hẳn để dễ quan sát, tránh chuột vào làm tổ hoặc gặm ống dẫn.
– Bệ đặt bếp nên làm bằng vật liệu không cháy. Theo khuyến cáo, nên đặt bếp cách tường ít nhất 15 cm, cách trần từ 1 đến 1,5 m, cách các thiết bị điện 1,5 m. Không để bất cứ vật gì, kể cả chân bếp đè lên ống dẫn gas.
– Sử dụng bếp gas để nấu xong nên khóa van ở đầu bình trước để cho gas trong ống dẫn cháy hết rồi mới tắt bếp. Một số người có thói quen sau khi nấu nướng, chỉ tắt bếp thôi là không đủ mà cần khóa van bình gas ngay. Thực tế có nhiều trường hợp bình gas không khóa van, khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp.
– Vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas thường xuyên. Nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng. Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra khi gas bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn… Đặc biệt ống dẫn gas là bộ phận "nhạy cảm" dễ bị rò rỉ, nên tốt nhất sau từ 3 đến 5 năm sử dụng, người dân nên tự giác thay mới.
– Định kỳ kiểm tra các thiết bị gas, có thể dùng nước xà phòng bôi vào vỏ bình, van, ống dẫn gas, nếu thấy có bong bóng nổi lên bất thường, có thể nơi ấy bị rò rỉ.
– Gas là khí không màu, không mùi, không vị nhưng khi sản xuất, người ta trộn thêm chất phụ gia có mùi thối vào để người dùng dễ nhận biết nếu gas bị rò rỉ. Khi ngủi thấy mùi đặc trưng này, nhất là vào ban đêm, người dân thường có thói quen bật đèn hoặc hộp quẹt để kiểm tra bình gas. Tuy nhiên các chuyên gia an toàn cháy nổ khuyến cáo, do gas bắt lửa rất nhạy nên bật đèn, quạt, điện thoại di động có thể phát ra tia lửa, gặp khí gas dễ gây cháy. Do đó việc cần làm trong trường hợp này là mở các cửa cho thông thoáng để gas tự bay ra ngoài, giảm nồng độ khí cháy trong bếp, nếu mùi càng nồng nặc hơn, nên thông báo cho đại lý bán gas để được tư vấn xử lý ngay.
– Không sử dụng bình gas du lịch nạp lại. Không nên dùng nồi quá lớn khi nấu bằng bếp gas mini vì lửa có thể trùm xuống bình, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
– Nếu có điều kiện, nên lắp thiết bị báo rò gas loại nhỏ trong hộc tủ bếp gần bình gas và phụ kiện, cách nền nhà 25 cm. Giá thành của thiết bị này trên thị trường dao động 200 đến 400 nghìn đồng một chiếc.
Trường hợp có sự cố hỏa hoạn, người dân nên bình tĩnh và thực hiện các bước sau:
– Đóng nguồn gas ngay lập tức.
– Nếu không có bình cứu hỏa, hãy dùng vải dày hoặc chăn nhúng nước phủ dập tắt đám cháy.
– Nếu ngọn lửa tiếp tục lan ra, hãy gọi số 114 để được lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy ứng cứu kịp thời.
Theo VnExpress