Đôi khi, cục máu đông xuất hiện khi không cần thiết và điều đó đồng nghĩa với rắc rối.

Trong phần lớn trường hợp, cục máu đông không có gì xấu. Khi bạn bị thương, bạn cần máu đông đặc và tụ lại tại vị trí chấn thương để giúp cầm máu.

 

Nhưng, đôi khi, cục máu đông xuất hiện khi không cần thiết và điều đó đồng nghĩa với rắc rối – đặc biệt khi chúng hình thành ở những tĩnh mạch sâu gần cơ bắp.

Luis Navarro, bác sĩ, người sáng lập The Vein Treatment Center ở thành phố New York, cho biết: “Khi cục máu đông xuất hiện ở hệ thống sâu hơn trong cơ thể, chúng có thể gây đau đớn và cực kỳ nguy hiểm”.

Dạng máu đông này được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis – DVT).

DVT giống như rào chắn trên đường cao tốc huyết mạch của bạn – chúng gây tắc nghẽn trong hệ tuần hoàn và ngăn dòng máu luân chuyển vốn có tác dụng thúc đẩy cả hệ thống vận hành.

Mọi thứ thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu huyết khối tĩnh mạch sâu này tách ra khỏi vị trí ban đầu và di chuyển vào phổi.

Khi đó, nó trở thành chứng nghẽn động mạch phổi – một dạng cục máu đông ngăn cản cơ quan quan trọng này nhận oxy và máu mà nó cần.

Kết cục là phổi của bạn cũng như các cơ quan khác bị tổn thương và có thể sẽ chết.

Một số người dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu hơn một số khác. Do đó, điều cần thiết là tìm hiểu và nắm vững mọi yếu tố nguy cơ.

Khi đó, bạn có thể hành động một cách nhanh chóng, tức thời. Bác sĩ Navarro nhấn mạnh: “Nhận diện các triệu chứng rất quan trọng vì chúng có thể bị bỏ qua hoặc khó nhìn thấy”.

Lựa chọn biện pháp điều trị cần kíp cũng mang ý nghĩa sống còn.

1. Sưng phồng ở một chi

Một cẳng chân hay cánh tay bị sưng tấy lên là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu.

Bác sĩ Navarro giải thích: “Cục máu đông có thể làm nghẽn dòng lưu thông máu ở chân và máu có thể đổ về phía sau cục máu đông, gây tình trạng sưng tấy”.

Không ít người bỏ qua dấu hiệu này, nhất là khi bạn có cẳng chân lớn hoặc cứng đờ lúc ngồi trên máy bay hoặc trong khoảng thời gian bất động lâu.

Nhưng hãy cẩn trọng nếu hiện tượng này xảy ra rất nhanh, đặc biệt khi xảy ra cùng với một bên chân bị đau.

 

2. Đau ở chân hoặc tay

Thông thường, huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện cùng với các triệu chứng khác như sưng phồng, tấy đỏ. Đôi khi, nó lại chỉ biểu hiện một mình.

Theo bác sĩ Navarro: “Thật không may, cảm giác đau đớn từ một cục máu đông lại dễ dàng bị nhầm lẫn với đau khi bị căng cơ hoặc co rút cơ. Đó là lý do tại sao cục máu đông lại thường không được chẩn đoán và trở nên đặc biệt nguy hiểm”.

Đau do huyết khối tĩnh mạch sâu có xu hướng tấn công bạn khi bạn đang đi bộ hoặc đang gập cong chân hướng lên trên.

Nếu bạn bị chuột rút, chân bạn dường như không thể lắc được, nhất là khi da ở gần khu vực đó trở nên ấm hoặc đổi màu – hãy đi khám bác sĩ ngay.

 

3. Những vệt đỏ nổi trên da

Bầm tím là một dạng cục máu đông nhưng không phải là thứ bạn cần lo lắng. Bạn không thể nhìn thấy một huyết khối tĩnh mạch sâu. Bạn có thể phát hiện thấy sự thay đổi màu sắc, giống như vết bầm tím.

 

Nhưng bạn sẽ nhận ra sắc đỏ trong phần lớn trường hợp. Huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra các vệt đỏ dọc theo tĩnh mạch và làm cho chân/tay bạn ấm hơn khi chạm vào.

4. Đau ngực

Cơn đau ở ngực có thể khiến bạn nghĩ tới một cơn suy tim nhưng nó cũng có thể là nghẽn động mạch phổi.

Bác sĩ Navarro giải thích: “Cả suy tim và nghẽn động mạch phổi đều có triệu chứng tương tự”. Tuy nhiên, đau do nghẽn động mạch phổi có xu hướng mạnh hơn, tạo cảm giác như bị dao đâm.

Cảm giác trở nên nặng nhất khi bạn hít một hơi sâu. Đau do suy tim thường khởi phát từ vùng thân trên như vai, hàm hay cổ.

Manh mối lớn nhất là hơi thở của bạn – đau do nghẽn mạch phổi từ từ nặng thêm cùng với mỗi hơi thở bạn hít vào. Nếu điều đó xảy ra, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

 

5. Khó thở hay tim đập nhanh

Cục máu đông trong phổi sẽ làm giảm lưu thông oxy. Khi hàm lượng oxy thấp, nhịp tim của bạn trở nên nhanh hơn để cố gắng bù đắp sự thiếu hụt.

Cảm nhận thấy sự rung động ở ngực và gặp vấn đề với hơi thở sâu có thể là tín hiệu cơ thể gửi đi để cảnh báo bạn đang bị nghẽn động mạch phổi.

Bạn cũng có thể thấy chóng mặt, hoặc thậm chí buồn nôn. Tìm kiếm trợ giúp khẩn cấp, đặc biệt khi những triệu chứng này đột ngột xuất hiện.

 

6. Ho không rõ nguyên nhân

Bạn không thể ngừng ho? Nếu bạn cũng thấy khó thở, nhịp tim nhanh, hay đau ở ngực, đó có thể là do nghẽn động mạch phổi.

Bác sĩ Navarro bổ sung: “Cơn ho này sẽ thuộc kiểu ho khan nhưng đôi khi, bệnh nhân có thể ho ra đờm và/hoặc máu”. Nếu có nghi ngờ, lập tức gọi điện thoại cho bác sĩ hoặc nhanh chóng tới ngay trung tâm y tế gần nhất.

 

Nguồn: Prevent / Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *