Người thường say tàu xe có thể dùng trà nấu vỏ quýt hoặc hoa cúc trắng ngâm nước sôi uống sau bữa ăn. Ngoài ra nấm mộc nhĩ nấu canh với thịt nạc, táo đỏ cũng hiệu quả để phòng ngừa say xe.

Say tàu xe còn gọi là say sóng, một hội chứng xảy ra khi di chuyển bằng tàu thuyền, xe hơi hoặc máy bay. Các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp… Y học gọi là rối loạn tiền đình do di chuyển.

Cơ quan tiền đình, về mặt phát sinh chủng loại, được coi là phần cổ nhất trong ống tai trong, nằm trong xương đá của xương thái dương, rất gần với ốc tai. Tiền đình là một hệ thống có vai trò quan trọng trong việc duy trì tư thế và dáng bộ, trong phối hợp các cử động của mắt, đầu và thân mình, trong việc duy trì ánh mắt nhìn cố định vào một vật nào đó.

Khi di chuyển, sự lắc lư, chòng chành, lên xuống của phương tiện làm cho mạch máu tai trong bị co thắt dẫn đến tăng thể tích nội dịch và giãn lòng ống nội dịch, làm cho mê đạo màng tai trong bị tích thủy, ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình, gây ra rối loạn tiền đình kiểu say sóng.

Chọn chỗ ngồi gần đầu xe, không nhìn sang hai bên khi say xe. Ảnh: 123

Để phòng ngừa say sóng khi di chuyển, nên thực hiện một số điều sau:

– Chọn chỗ ngồi gần đầu xe. Nhìn thẳng và chăm chú vào phía trước với các mục tiêu càng xa càng tốt. Không nên nhìn sang 2 bên, không ngồi quay mặt phía ngược chiều xe chạy.

– Nếu đi tàu thuyền, nên ngồi trên boong tàu, phía sau thân tàu, tránh xa chỗ có mùi xăng dầu. Nên nhìn xa thật xa, không nhìn xuống nước hoặc nhìn mũi tàu.

– Nếu đi máy bay, không nhìn ra ô kính khi máy bay lên xuống.

– Nói chung, khi đang di chuyển không đọc sách báo, không dùng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá… Đừng ăn no quá hoặc bụng đói quá. Nếu khát nước, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ. Giữ tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng, không căng thẳng, lo lắng. Thở chậm, sâu và đều.

– Trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng.

– Bạn cũng có thể thực hiện cách sau đây để phòng ngừa say sóng: xoa dầu (dầu gió, dầu cao) vào 2 huyệt Thái dương, 2 huyệt Nội quan (giữa 2 gân tay, phía trên và cách lằn chỉ cổ tay 3-4 cm), 2 huyệt Hợp cốc (ở hổ khẩu, giữa ngón cái và ngón trỏ, chỗ mu thịt dầy lên), huyệt Nhân trung (giữa đường rãnh môi trên), 2 huyệt Phong trì (chỗ lõm phía sau gáy, trên cổ). Cũng có thể lấy 2 lát gừng tươi buộc vào 2 huyệt Nội quan.

Những người có cơ địa bị say sóng nên thường xuyên ăn uống các món sau:

– Hoa cúc trắng (bạch cúc hoa) 6-8g, tán bột ngâm với nước sôi 5-10 phút, dùng uống sau bữa ăn.

– Nấm mộc nhĩ trắng (tuyết nhĩ, ngân nhĩ) 15-20g nấu canh với thịt nạc heo 50g và táo đỏ một quả để ăn lúc đói.

– Trà (xanh hoặc đen) 5g nấu với vỏ quít (trần bì) 10g cùng với ½ lít nước, sôi 5-10 phút. Dùng uống sau bữa ăn.

– Gừng khô (nướng sơ) 6-8g, cam thảo (tẩm mật nướng) 4g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Để phòng tránh say tàu xe, cần có thời gian tập luyện để cơ quan tiền đình giảm mẩn cảm, cơ thể dần dần thích ứng với trạng thái di chuyển đột ngột, chao đảo, quay vòng. Đồng thời có kết hợp với sự điều chỉnh bình thường lại những yếu tố bất lợi khác như đã nêu trên.

Một số cách tập luyện để tăng cường chức năng điều khiển sự thăng bằng cơ thể:

1. Ngồi thẳng lưng trên ghế có dựa lưng, ngẩng cao đầu và mắt nhìn theo lên trên, chú ý vào một điểm hay một vật nào đó (hít hơi vào từ từ), sau đó cúi gập đầu, cằm chạm ngực, mắt nhìn theo xuống dưới (thở hơi ra từ từ cho hết). Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15-20 lần.

2. Ngồi thẳng lưng trên ghế, xoay đầu về bên trái, cằm chạm được mỏm vai trái càng tốt, mắt di chuyển theo và nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía vai trái, ra phía sau càng tốt.

Sau đó, xoay đầu về phía vai phải, cằm chạm vào mỏm vai phải, mắt cũng di chuyển theo về phía phải, nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía vai phải. Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15-20 lần. Hít vào, thở ra, chậm, sâu, đều.

3. Ngồi thẳng lưng trên ghế, nghiêng đầu về phía vai trái, tai trái chạm vào mỏm vai trái càng tốt, mắt chăm chú nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía trước mặt, cách khoảng 40 cm.

Sau đó, nghiêng đầu về về phía vai phải, tai phải chạm vào mỏm vai phải càng tốt, mắt vẫn chăm chú nhìn vào một điểm hay một vật đó ở phía trước mặt.

Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15-20 lần. Hít vào, thở ra, chậm, sâu, đều.

4. Ngồi thẳng lưng trên ghế, để ngón tay trỏ ở phía trước, cách mắt khoảng 25 đến 30cm. Mắt chăm chú nhìn vào ngón trỏ, sau đó xoay đầu sang bên trái rồi chuyển sang bên phải. Tập xoay đầu từ chậm rãi đến nhanh dần, nhưng lúc nào mắt cũng phải chăm chú nhìn ngón tay trỏ. Tiếp tục làm từ 15 đến 20 lần.

5. Ngồi thẳng lưng trên ghế. Đảo mắt nhìn một số mục tiêu cố định ở bên trái, phía trên, bên phải, phía dưới, vẽ tầm nhìn thành một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Đầu giữ yên, không xoay. Làm 15-20 lần, sau đó đổi chiều.

Sau khi tập thuần thục thì xoay đầu theo chiều kim đồng hồ và mắt nhìn theo các mục tiêu. Làm 15-20 lần, sau đó đổi chiều.

6. Ngồi thẳng lưng trên ghế, xoay đầu theo vòng tròn (phía trái, ra phía trước, qua phía bên phải, ra phía sau) trong khi mắt vẫn mở và nhìn theo hướng của đầu, mỗi lần xoay một vòng. Thực hiện 15-20 lần theo chiều kim đồng hồ. Sau đó đổi chiều, thực hiện từ 15-20 lần. Sau khi tập thuần thục, thực hiện lại động tác nhưng nhắm mắt.

7. Đứng thẳng, hai chân dang bằng vai. Hai tay chống ở hông, mắt nhìn thẳng vào một điểm hay một vật cố định nào đó ở trước mặt, xoay phần thân trên (từ hông trở lên) theo một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, tức từ trái sang phải. Không nghiêng khớp hông. Làm 15-20 lần. Sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ, ánh mắt không di chuyển. Làm 15-20 lần.

Lúc đầu xoay vòng tròn nhỏ, sau đó vòng tròn càng lớn dần. Hít thở chậm, sâu, đều, tập trung vào cảm giác của bàn chân trên mặt đất. Với những người chưa quen, nên thực hiện động tác này ở nơi có sẵn vật dụng để vịn hoặc tựa vào, hoặc có người đứng phía sau, để đề phòng bị ngã vì chóng mặt.

Sau khi thực hiện thuần thục động tác này, tiếp tục tập luyện nhưng có thay đổi là nhắm mắt lại.

8. Đứng thẳng, hai chân dang bằng vai, hai cánh tay duổi thẳng trước mặt, hai lòng bàn tay áp sát vào nhau, mắt nhìn thẳng theo tay. Xoay hai tay vẽ thành vòng tròn, theo chiều kim đồng hồ, và mắt nhìn tay.

Sau đó, đưa hai tay cao khỏi đầu, sau đó đưa xuống thấp phía dưới, động tác chậm nhưng liên tục.

Nếu trong lúc tập mà có cảm giác chóng mặt thì nên ngừng lại, đến khi thấy bình thường trở lại mới tiếp tục tập. Làm từ 15 tới 20 lần. Đổi chiều xoay và lặp lại từ 15 tới 20 lần. Các động tác trên nên tập luyện mỗi ngày 2 đến 3 lần, cách xa bửa ăn từ 2 đến 3 giờ.

Trong thời gian luyện tập các động tác trên, cũng cần thực hiện việc ngồi tàu, xe nhiều lần để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với những tác động của sự chuyển động không có quy tắc.

Cũng có thể rèn luyện thể lực thường xuyên (tập các môn xà đơn, xà kép, nhào lộn trên đệm, cầu trượt) để giúp cho việc điều tiết thăng bằng vị trí của cơ thể.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *