Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ đeo trang sức đến trường; làm cho bé thẻ đeo, dạy những kỹ năng sinh tồn cơ bản để tránh bị bắt cóc hay lừa đảo, đi lạc…
Một buổi giáo dục trẻ kỹ năng ứng xử khi gặp người lạ do Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức. Ảnh: TN. |
Hai học sinh lớp 1 tại TP HCM vừa bị kẻ gian lừa dụ chở đi nơi khác để trấn lột nữ trang rồi bỏ các cháu ngoài đường.Các cháu được người đi đường phát hiện, đưa về trụ sở công an và báo cho cha mẹ cùng nhà trường. Sự việc khiến nhiều cha mẹ lo lắng về vấn đề an ninh an toàn của con ở trường học. Ở góc độ gia đình, các chuyên gia tâm lý giáo dục bày tỏ lo ngại trước tình trạng trẻ thiếu những kỹ năng sống cơ bản nên dễ bị người lạ dụ dỗ.
Thực tế, dù đã có cảnh báo từ nhà trường và các chuyên gia, nhiều phụ huynh vẫn thích cho con em đeo nhiều trang sức, khiến chúng có thể trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Nhìn vấn đề này dưới góc độ của một người từng có con học tiểu học và đồng thời là một nhà giáo dục, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh nhìn nhận: "Việc dạy con em mình kỹ năng tự vệ chưa được phụ huynh và nhà trường coi trọng. Có rất nhiều chương trình kỹ năng sống dạy những điều to tát, nhưng điều đơn giản nhất lại không được quan tâm", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, kỹ năng đầu tiên cha mẹ cần dạy khi con bắt đầu vào mẫu giáo là không bao giờ đi theo bất kỳ ai khi chưa được sự cho phép của bố mẹ hoặc cô giáo đang phụ trách lớp học. Điều này cần được nhắc nhở mỗi ngày để tạo thành một kỹ năng sống an toàn và phải được rèn luyện nhuần nhuyễn.
Kỹ năng thứ hai, theo ông Thịnh, là không cho phép người lạ đụng chạm vào bất kỳ bộ phận hoặc vật thể trên người. Kỹ năng này giúp các em biết tự bảo vệ tài sản cá nhân, đồng thời tránh được những nguy cơ khác, chẳng hạn như xâm hại tình dục, bắt cóc… "Cần chỉ cho trẻ rõ tất cả những gì trên người con là của riêng, con có quyền cho hoặc không cho người khác đụng chạm vào. Chỉ có bố mẹ được phép đụng chạm (có giới hạn), còn bất kỳ ai đều không được phép nếu các con không đồng ý".
Theo ông Thịnh, phụ huynh cũng cần dạy trẻ trong trường hợp cảm thấy nguy hiểm hoặc có vấn đề đụng chạm ngoài ý muốn xảy ra thì cần la lớn, thậm chí khóc thét lên để người lớn đến trợ giúp.
Mặt khác Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh khuyến nghị phụ huynh có con đang học tiểu học hay mẫu giáo nên làm cho các em một thẻ đeo có ghi rõ họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại của bố mẹ, phòng trường hợp bé đi lạc hoặc bị tai nạn cần trợ giúp gấp. Bên cạnh đó, cần tập cho bé thói quen tan học chờ bố mẹ đến đón ở vị trí cố định và thống nhất thời gian. Hạn chế nhờ lái xe ôm hoặc người quen đến đón.
"Trong trường hợp bất khả kháng, cần nhờ người đón giúp thì phải thông báo trước cho bé đặc điểm nhận dạng, họ tên, cần có cả mật khẩu quy định để nhận diện đúng người bố mẹ nhờ", ông Thịnh góp ý.
Về phía nhà trường, giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở các em về việc ra vào trường và không đi theo bất kỳ người lạ nào dù được họ hứa hẹn hoặc giải thích "có lý". Trong trường hợp có một người lớn dẫn bé ra cổng trường, bảo vệ cần kiểm tra xác định mối liên hệ giữa họ. Nếu nghi ngờ, cần kiên quyết không cho ra khỏi trường và sẽ liên lạc trực tiếp với bố mẹ các em để xác minh.
Nhiều năm làm công tác tổ chức các buổi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trường Hội quán các bà mẹ TP HCM khuyên phụ huynh không nên ỷ lại vào việc dạy dỗ kỹ năng ở trường mà quên mất rằng "gia đình chính là trường học đầu tiên" trong cuộc đời mỗi người.
Theo đó, ngay từ khi trẻ lên 2-3 tuổi, cha mẹ cần dạy trẻ biết phân biệt người lạ qua những câu chuyện cổ tích hoặc tình huống hằng ngày. Trong hành trang chuẩn bị cho con vào tiểu học cũng nên thực hành thường xuyên: Nói cho con biết trong giờ học cần tuân thủ theo lời của cô bảo mẫu, cô giáo chủ nhiệm lớp, biết cách nhờ sự hỗ trợ của cô và hỏi thăm, xin phép trước khi ra ngoài hoặc có người lạ mặt muốn gặp.
Bé có thể tri hô hay nhờ sự trợ giúp của cô giáo, chú bảo vệ, công an, trong bất kỳ trường hợp nghi ngại nào. Thậm chí muốn kêu cứu chỉ cần la to “cháy”, mọi người sẽ chú ý và sẵn sàng ứng cứu, dù đó không phải là mối nguy liên quan đến hỏa hoạn.
"Không nên cho trẻ đeo nữ trang bởi sẽ khơi gợi lòng tham từ người khác, vô tình đẩy trẻ vào tình huống mất an toàn, có thể nguy hiểm đến tính mạng", bà Thúy nhấn mạnh.
Để giáo dục con ứng xử một cách nhuần nhuyễn với các tình huống bất ngờ, bà Thúy gợi ý cha mẹ nên hằng ngày cùng con chơi những trò chơi tình huống. Chẳng hạn: Đố con biết phải nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn như lạc đường, bị người lạ rủ đi chơi, khi ở nhà một mình và có sự cố xảy ra. Một trong những trò chơi lồng ghép kỹ năng hiệu quả cha mẹ có thể thực hiện như:
– Trò đóng vai: Có thể cho trẻ giả làm nạn nhân hoặc chú công an.
– Những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông đều có thể biến thành bài học chia sẻ với trẻ. Từ đó giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bị như thế.
– Cách dạy trực quan rất hiệu quả với trẻ, tức là khi có sự trải nghiệm sẽ phải tự rút ra bài học. Tuy nhiên, người lớn cần giám sát và chủ động đảm bảo an toàn cho con khi áp dụng, không để cho trẻ tự trải nghiệm bởi có thể để lại hậu quả lớn.
Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình là việc rất quan trọng nên bố mẹ phải bắt tay ngay, thực hiện luôn từ khi trẻ còn nhỏ, đừng chờ đến khi mọi sự xảy ra rồi mới cuống cuồng lo lắng. "Để dạy được con, cần kiên nhẫn từng ngày và kỳ công chứ không chỉ dặn dò suông theo kiểu 'Trong giờ học từ sáng đến chiều con không được theo ai. Chỉ có ba, mẹ hoặc dì mới có thể đón con', hay 'Trong trường hợp nhờ giúp, cần thông báo trước cho con biết'. Như thế sẽ không hiệu quả", bà Thúy chia sẻ.
Nguồn: Thi Ngoan ( VnE )