Thành phần của dầu cá chủ yếu là vitamin A và D. Đây là các vitamin tan trong chất béo nên viên dầu cá cần được uống cùng bữa ăn (chất béo của bữa ăn sẽ giúp hấp thu tốt vitamin trong dầu cá).
Vitamin A: cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ nhỏ, có vai trò quan trọng đối với thị giác (giúp sáng mắt, phòng tránh bệnh quáng gà), cần để có một làn da mềm mại và khoẻ mạnh, giúp các tế bào bề mặt ở đường hô hấp và tiêu hoá thực hiện chức năng chống nhiễm khuẩn, làm mạnh hệ miễn dịch bên trong cơ thể.
Trong tự nhiên, vitamin A có ở hai dạng: retinol trong thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, gan, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa béo), beta-caroten là tiền chất của vitamin A có trong các loại rau xanh đậm và củ quả vàng cam đậm (rau dền, rau ngót, rau muống, mồng tơi, bông cải xanh, rau lang, càrốt, bí đỏ, xoài chín, gấc…)
Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành retinol, là dạng hoạt động của vitamin A. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi từ beta-caroten thành retinol là rất thấp (12:1 đối với trái cây chín và 22-24:1 đối với rau xanh). Do vậy, chế độ ăn toàn rau, ít thực phẩm nguồn gốc động vật, nếu không biết chọn các loại rau giàu vitamin A và có thêm chất béo vào khẩu phần thì có thể bị thiếu vitamin A.
Vitamin D: rất cần cho việc hấp thu canxi, giúp phát triển, làm chắc xương, răng. Khi bị thiếu vitamin D sẽ dễ bị loãng xương. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D ở dưới da sẽ được chuyển thành vitamin D ở dạng hoạt động giúp hấp thu tốt canxi. Do đó, đối với những người thường xuyên tiếp xúc ánh nắng một cách an toàn sẽ ít bị nguy cơ thiếu vitamin D. Trong thực phẩm, vitamin D cũng có trong dầu gan cá và một số thực phẩm bổ sung vitamin D.
Ai cần dầu cá?
Khác với các vitamin tan trong nước, nếu dùng hơi nhiều lượng thừa sẽ được thải ra nước tiểu, những vitamin tan trong chất béo như dầu cá khi bổ sung quá mức sẽ tích luỹ trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Khi bị ngộ độc các vitamin có trong dầu cá, sẽ gây triệu chứng nhức đầu, buồn nôn và nôn, cảm giác mệt mỏi, yếu cơ, đau khớp… Vì vậy, để an toàn, chỉ những trường hợp cơ thể thiếu các vitamin A, D mới nên sử dụng dầu cá để bổ sung.
Những người dễ bị thiếu vitamin A là trẻ dưới năm tuổi (đặc biệt trẻ nhỏ dưới hai tuổi, trẻ hay bị bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại, trẻ suy dinh dưỡng); phụ nữ mang thai và cho con bú; trẻ ở tuổi đi học đang tăng trưởng; người già ăn uống kém; người ăn chay trường… Đối với những người trưởng thành bình thường khác, nếu chế độ ăn đa dạng và không quá kiêng khem thì thường sẽ không bị thiếu vitamin A nên không cần uống thuốc bổ sung. Còn những người dễ bị thiếu vitamin D là trẻ sơ sinh, người già, người không ra nắng trong một thời gian dài. Do vitamin A và D là những vitamin tan trong chất béo nên những người bị kém hấp thu chất béo sẽ dễ bị thiếu các vitamin này.
Mặc dù vitamin A và D rất cần thiết cho cơ thể nhưng không phải ai cũng cần bổ sung viên dầu cá. Và khi cần bổ sung viên dầu cá cho những người có nguy cơ thiếu thì cũng cần theo chỉ định của bác sĩ.
Liều cao vitamin A gây quái thai
Một điều đáng lưu ý nữa là phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng khi bổ sung vitamin A từ dầu cá (kể cả vitamin A trong các loại thuốc bổ tổng hợp) vì liều cao vitamin A có khả năng gây quái thai. Liều vitamin A cho phụ nữ mang thai không nên quá 10.000 IU/ngày. Liều cao vitamin A chỉ nên dùng đối với phụ nữ ngay sau sanh để tăng cường vitamin A trong sữa mẹ. Hầu hết trẻ em từ 1 – 6 tuổi có thể tiêu thụ một liều đơn 200.000 IU vitamin A trong vòng 4 – 6 tháng. Trẻ lớn hơn rất ít khi bị ngộ độc vitamin A trừ khi thường xuyên tiêu thụ quá 25.000 IU trong thời gian dài.
Theo sgtt