Càng gần tết, cha mẹ càng cần chú ý đến trẻ để đề phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bỏng do bất cẩn
Gần một tháng nay, lượng bệnh nhân đến khoa bỏng của bệnh viện Xanh Pôn khá đông, chủ yếu là trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do bỏng nước sôi.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Nhất Thống, Trưởng khoa bỏng BV Xanh Pôn, thì những tháng cận Tết tỷ lệ trẻ nhập viện do bỏng đều tăng đột biến. Nguyên nhân là do người lớn sơ xuất, mải dọn nhà, làm việc nhà mà không quan tâm đến trẻ. Đáng lưu ý trong số này là trẻ dưới 3 tuổi, chưa ý thức được nguy cơ gây nguy hiểm có thể xảy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu chẳng may trẻ bị bỏng thì cha mẹ phải bình tĩnh, gỡ bỏ quần áo dính nước sôi, ngâm vùng bỏng vào nước mát, tốt nhất là nước 16-20 độ C, thời gian ngâm 15-30 phút. Trong trường hợp không có thì dùng nguồn nước mát sạch ở ngay bên cạnh, từ vòi nước. Lưu ý trong thời tiết rét như hiện nay nếu diện tích bỏng rộng, trẻ quá nhỏ thì thời gian ngâm nước mát không quá lâu, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Khi ngâm xong thì băng ép nhẹ, đưa đến cơ sở y tế.
Hóc dị vật đường thở
Ngày Tết, các món ăn như kẹo, hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương, thạch… thường được nhiều gia đình Việt dùng để tiếp khách. Tuy nhiên, những đồ ăn này lại có thể gây hại cho trẻ nhỏ nếu như cha mẹ không để ý. Trẻ dễ bị sặc, hóc kẹo, thạch… nếu không biết cách ăn, ăn vội vàng hoặc cười đùa khi ăn. Do vậy, khi cho trẻ ăn các loại hạt này, tốt nhất cha mẹ nên bóc tách hoặc hướng dẫn các em bóc và ăn từ từ, tránh ngậm trong miệng rồi đi chơi hay chạy nhảy.
Đặc biệt, đã có không ít các trường hợp trẻ tử vong do hóc thạch rau câu trong thời gian trước. Vì thế, bố mẹ cần tránh cho trẻ tự ăn các loại thực phẩm này mà bố mẹ nên trực tiếp cho trẻ ăn.
Các bác sĩ khuyến cáo, cần tránh cho trẻ ăn lúc đang khóc vì dễ dẫn đến khó thở hoặc sặc rất nguy hiểm. Tuyệt đối không được sử dụng tay để cố móc dị vật ra vì khi làm như vậy thì không những không ra mà có nguy cơ còn thụt sâu vào bên trong.
Chấn thương do ngã
Trẻ nhỏ vốn hiếu động, hay bắt chước người lớn như leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế, leo lên võng… và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Nhiều trẻ còn thích khám phá xung quanh vì tính tò mò như bò/đi ra lan can, ban công, vào nhà tắm trơn trượt, trèo lên xe đạp khi chưa vững.. do đó rất dễ bị té ngã và chấn thương.
Khi té ngã, nhẹ nhất là trẻ bị chấn thương phần mềm, chảy máu hoặc xây xát da tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể bị gẫy tay, gẫy chân, hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp trẻ bị chấn thương, nếu nghi trẻ bị bong gân hay gẫy xương cần cố định chỗ chấn thương trước bằng gạc sạch, mềm rồi sớm đưa trẻ đến khám bác sĩ.
Theo khuyến cáo các bác sĩ luôn để ý trông chừng giám sát mọi sinh hoạt chơi đùa của trẻ trong những ngày Tết là việc mà cha mẹ nào cũng cần lưu ý. Nên có hàng rào che chắn an toàn, nhất là khu vực cầu thang, lan can, ban công để trẻ không gặp nguy hiểm; nên đội cho trẻ mũ bảo hiểm, ràng địu trẻ cẩn thận khi tham gia giao thông trên đường…
Tai nạn từ bóng bay
Ngày tết, các gia đình thường sử dụng các loại bóng bay là vật trang trí, hoặc mua cho trẻ con chơi. Nhưng không ai ngờ, một thứ đồ chơi đơn giản này khi nổ có thể khiến cho người đứng gần bị bỏng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại bóng bay thường được bơm hydro hoặc actile để bóng có độ căng và có thể bay cao. Tuy nhiên, đây lại là những chất khí rất nhạy với cháy nổ. Khi ở gần nguồn nhiệt, nó sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng và gây nổ.
Đã có rất nhiều tai nạn bỏng nghiêm trọng xảy ra do nổ bóng bay. Nó gây ra nhiều thương tích, các vết bỏng từ nhẹ đến nặng, chủ yếu ở mặt, cổ, cánh tay… Theo các bác sĩ, các vết bỏng do nổ bóng bay gây ra thường rất nguy hiểm và lâu lành sẹo.
Ngoài ra, khi sản xuất bóng bay, nhà sản xuất thường cho thêm các dung dịch màu để tạo ra những quả bóng có màu sắc bắt mắt. Màu được dùng ở đây chủ yếu là loại màu dành cho các ngành công nghiệp như in, nhuộn, chất dẻo hóa, chất chống oxy hóa… Hầu hết các chất này đều rất có hại cho sức khỏe. Khi chúng ta ngậm bóng bay để thổi hoặc tiếp xúc gần, các chất hóa học này có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể gây ngộ độc. Thậm chí, nó còn có thể làm ảnh hưởng đến nội tạng và dẫn đến ung thư.
Chính vì thế khi cho trẻ chơi các loại bóng này cha mẹ phải đặc biệt chú ý chọn những loại bóng có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, nhà sản xuất uy tín, không cần chọn bóng quá nhiều màu sắc.
Tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp. Việc cầm trực tiếp cũng khiến chất màu thôi ra tay, rồi trẻ lại ngậm, mút tay cũng sẽ rất nguy hiểm.
Nguồn: Minh Tuyết ( Trí thức trẻ )