Ngày Tết, lượng rau quả, thực phẩm được tiêu thụ tăng vọt. Để lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn cho ngày Tết, không có hoá chất bảo quản, phẩm màu độc hại, thuốc trừ sâu, người tiêu dùng cần phải quan sát kỹ để lựa chọn những sản phẩm an toàn.

Gia tăng vi phạm an toàn thực phẩm ngày giáp Tết

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, càng về gần thời điểm tết nguyên đán, thị trường thực phẩm phục vụ tết càng trở nên nhộn nhịp hơn. Ngoài các sản phẩm an toàn, có tác dụng tốt cho sức khoẻ do các nhà sản xuất uy tín đưa ra, cũng còn nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nhiều chất tạo màu, hoá chất, nhái nhãn mác được đưa ra thị trường…

 

Sản xuất mứt dừa tại một cơ sở sản xuất mứt ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: H.Hải

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở sản xuất thực phẩm, hàng hoá phục vụ Tết. Mới đây, các đoàn thanh tra về ATTP đã kiểm tra 175 cơ sở sản xuất kinh doanh rượu bia, nước uống đóng chai, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo, giò chả, hải sản… tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà và phát hiện chỉ có 47/175 cơ sở đạt yêu cầu VSATTP (chiếm 26,8%).

Qua đợt thanh, kiểm tra lần này, đoàn đã tịch thu 1,8 tấn hạt dưa, tiêu huỷ 80kg bột há cao, rong biển, bột bánh bao và 78,8 lít nước mắm đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc và xử lý 6 kg hạt tiêu xanh có NO3. Niêm phong 738kg hủ tiếu, bún khô, 27,5 kg men rượu, 494 chai si rô (500ml), 1.308 hũ tương và 24kg mỳ tôm…

Hay như trước đó tại Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện một cở sản xuất tương ớt tư nhân tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm chế biến ngay cạnh khu vệ sinh, mất vệ sinh nghiêm trọng. Hay như mới đây, 2 cơ sở sản xuất mứt cổ truyền tại làng mứt Xuân Đỉnh đã bị đình chỉ sản xuất do điều kiện vệ sinh không đảm bảo: nguyên liệu mứt không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu lem bụi đường, dụng cụ chế biến mứt không sạch sẽ…

Cách lựa chọn sản phẩm an toàn

Trong các thực phẩm tiêu dùng ngày Tết, nguy cơ bị nhuộm phẩm màu công nghiệp, hoá chất bảo quản và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn. Dưới đây là những hướng dẫn của bà Lê Thị Hồng Hảo, giúp người tiêu dùng mua được thực phẩm an toàn.

Phẩm màu: Được sử dụng khá phổ biến trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, hạt dưa và ở trong gia vị như tương ớt, ớt bột. Đặc biệt, mối nguy cơ cao với nhóm thức ăn đường phố là thịt quay, thịt nướng, các sản phẩm được bán ở các quán hàng rong, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…Vì thế, để an toàn, người tiêu dùng không nên chọn những thực phẩm có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt.

 

Hạn chế sử dụng sản phẩm có màu quá loè loẹt

Có thể phân biệt sản phẩm sử dụng phẩm màu tự nhiên hay phẩm màu công nghiệp bằng cách thử độ phai của màu. Phẩm màu tự nhiên là các chất mầu được chiết xuất ra hoặc được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ: Caroten tự nhiên được chiết suất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết suất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường… nên nhóm phẩm màu có nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền màu kém. Trong khi đó, độ bền của phẩm màu tổng hợp (có những loại được phép dùng) và phẩm màu công nghiệp rất cao (bị cấm dùng trong thực phẩm).

Chất bảo quản: Nếu sử dụng ở mức độ cho phép hoàn toàn không gây hại cho người dùng, lại giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại quá trình thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh vật hay do các thay đổi không mong muốn về mặt hóa học. Tuy nhiên trong thực tế các chất bảo quản rất bị lạm dụng quá mức cho phép, nên chúng có thể lại trở nên nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với người tiêu dùng rất khó để nhận ra loại thực phẩm bị lạm dụng chất bảo. Vì thế, người tiêu dùng cần lưu ý rằng việc lạm dụng chất bảo quản tập trung chủ yếu vào các sản phẩm không bao bì nhãn hiệu hoặc xuất xứ không rõ ràng, được sản xuất thủ công. Đối với những đơn vị chế biến công nghiệp, liều lượng sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ nên sản phẩm bảo đảm an toàn. Vì thế, nên chọn mua các hàng hóa có nhãn hiệu, ghi rõ các phụ gia vào thực phẩm và sử dụng liều lượng bao nhiêu đều phải ghi rõ trên bao bì. Không nhãn hoặc có nhãn nhưng không ghi rõ các nội dung này, hoặc ghi lập lờ thì người tiêu dùng cần phải cẩn trọng.

Thuốc bảo vệ thực vật: Rau quả cũng có thể tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, do bị lạm dụng quá mức nên không được đào thải hết trước khi đi tiêu thụ. Để phòng tránh ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản rau quả người tiêu dùng cần chú ý đến những điểm sau đây:

 

Khi mua rau, cần chú ý để cả màu sắc lẫn mùi vị của rau. Nên chọ loại rau có màu xanh tươi tự nhiên (tránh quá xanh đậm, mỡ màng có thể tồn dư nhiều NO3) và không có mùi vị lạ. Ảnh: H.Hải

– Không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường.

– Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy giúp loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi.

– Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại. Nên ngâm rau rồi hãy rửa. Rau quả trên bề mặt có lớp biểu bì, nơi thấm hút rất nhiều hoá chất khi tưới lên. Vì vậy, ngâm, rồi rửa rau dưới vòi nước chảy sẽ loại bỏ phần lớn các chất này. Sau rửa sạch tốt nhất lại tiếp tục ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím. Bởi lẽ, muối làm tăng quá trình hoà tan, khuếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước. Còn thuốc tím (công thức hoá học KMnO4) là chất oxy hoá mạnh, các tác dụng oxy các chất hữu cơ (chính là thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất kích tích tăng trưởng…) tạo ra các chất khác ít độc hơn.

Theo dantri

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *