Không phải tất cả cơn đau tim đều gây đau ngực. Nhiều trường hợp bệnh nhân không thấy đau nhưng vẫn có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận cơn đau tim thầm lặng thường xảy ra ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ
nhưng khi phụ nữ đã mắc phải thì thường dễ tử vong hơn nam giới.
Những triệu chứng tiêu biểu của cơn đau tim bao gồm cảm giác bị ép, đau, đầy ứ, thắt chặt ở ngực. Hoặc có thể nạn nhân cảm thấy đau ở cánh tay, vai, cổ, lưng và hàm. Đau vùng bụng, thở gấp, giảm tri giác, đổ mồ hôi, nôn, âu lo cũng là triệu chứng thường gặp. Những biểu hiện trên được xem là “triệu chứng cổ điển” nhưng cơn đau tim không luôn luôn diễn ra với các triệu chứng như vậy và lúc đó được gọi là cơn đau tim thầm lặng (silent heart attack). Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Circulation đã xem xét ảnh hưởng của biến cố thầm lặng nhưng nghiêm trọng này.
Không nhận rõ cơn đau tim
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân bị cơn đau tim hầu như không nhận rõ đa số các triệu chứng thông thường của cơn đau tim xảy ra trong cơ thể họ. Tuy nhiên, dòng máu chảy đến cơ tim vẫn bị hạn chế hoặc bị ngăn chặn hoàn toàn và tim bệnh nhân đang bị thiếu máu cục bộ. Do thiếu triệu chứng, các cơn đau tim thầm lặng không được phát hiện ngay khi gặp sự cố và thông thường chỉ được thầy thuốc nhận thấy sau đó qua điện tâm đồ. Dù cơn đau tim thầm lặng không biểu hiện triệu chứng nhưng điều đó không có nghĩa là ít tổn hại.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist ở TP Winston – Salem (bang Bắc Carolina) do TS Elsayed Z. Soliman hướng dẫn, đã quyết định nghiên cứu chi tiết hơn về mức độ phổ biến và nguy hiểm của biến cố thầm lặng này so với cơn đau tim có triệu chứng kèm theo. Họ đã phân tích dữ liệu của 9.498 người trung niên không bị đau tim trong khuôn khổ cuộc khảo sát về nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng và nhận thấy trong thời gian bình quân khoảng 9 năm, đã có 386 người bị cơn đau tim có kèm triệu chứng và 317 người bị cơn đau tim thầm lặng. Cả 2 nhóm bệnh nhân này được theo dõi tiếp trong vòng 20 năm nữa, xem xét bệnh tật và biến chứng liên quan đến tim, tử vong do cơn đau tim cũng như hậu quả khác đối với sức khỏe. TS Soliman khuyến cáo: “Hậu quả của cơn đau tim thầm lặng cũng tồi tệ như cơn đau tim có kèm theo triệu chứng. Vì bệnh nhân không hay biết mình bị cơn đau tim nên họ không được chữa trị đúng cách và không biết tai biến xảy ra lúc nào”.
Nguy hiểm hơn chúng ta tưởng
Nhóm nghiên cứu phát hiện đau tim thầm lặng chiếm 45% trong tổng số các cơn đau tim. Sau khi phân tích và điều chỉnh theo những yếu tố có thể tác động lên kết quả như hút thuốc lá, thể trọng, bệnh đái tháo đường, mức độ cholesterol trong máu, chứng cao huyết áp, thu nhập và học vấn, họ nhận thấy cơn đau tim thầm lặng làm tăng nguy cơ chết vì bệnh tim trong tương lai cao gấp 3 lần so với người không trải qua tình trạng này. Điều đáng lo ngại là cơn đau tim thầm lặng cũng làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân lên thêm 34%.
TS Soliman hy vọng rằng chứng cứ mới trong nghiên cứu lần này cho thấy cơn đau tim thầm lặng nguy hiểm và phổ biến như thế nào cũng như góp phần cho những hướng dẫn mới trong chăm sóc y tế. Phát hiện này cho thấy những bệnh nhân bị cơn đau tim thầm lặng cũng cần được trị liệu, chăm sóc và hỗ trợ cùng mức độ như người bị cơn đau tim thông thường, đặc biệt là lưu ý phòng ngừa. Ông nói: “Đầu tiên, thầy thuốc cần khuyến cáo bệnh nhân từng bị cơn đau tim thầm lặng phải bỏ hút thuốc lá; hạn chế thể trọng nếu dư cân; kiểm soát tốt mức độ cholesterol và huyết áp cũng như nên tập thể dục thường xuyên”. Ông hy vọng rằng một khi thầy thuốc và cộng đồng hiểu rõ hơn về mối đe dọa này, cơn đau tim thầm lặng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc hơn.
Nguồn: Trúc Lâm ( NLĐ )