Để việc cứu chữa có hiệu quả cao, nạn nhân bị ong đốt cần được phát hiện và sơ cứu càng sớm càng tốt (trong vòng 10-15 phút). Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh bị đốt bởi các loại ong mà nọc có độc tố cao như ong vò vẽ.
Các động tác sơ cứu bao gồm: rửa xà phòng (hoặc chất kiềm nhẹ) ở vết cắn rồi chườm lạnh; sau đó chuyển bệnh nhân lên tuyến y tế có điều kiện. Tại đây, nhân viên y tế vừa soi kính lúp để gắp vòi ong, vừa cho người bệnh uống thuốc kháng histamin và kháng sinh ngay.
Các biện pháp can thiệp tích cực bao gồm chống đau ngứa tại chỗ, chống sốc phản vệ (nếu có), cho thở ôxy, đặt nội khí quản làm thông đường thở.
Với những bệnh nhân nặng, phải lọc máu ngoài thận sớm mới cứu được sinh mạng và bảo đảm không để lại di chứng về sau. Những bệnh nhân này cần được chuyển lên điều trị tuyến cao, nơi có đủ điều kiện về kỹ thuật và trang thiết bị.
Trong các loài ong gây chết người, thường gặp nhất là ong vò vẽ, gồm 2 loại:
– Loại nhỏ: Thân màu đen, vàng xen kẽ, bụng có một khoanh vàng rộng; làm tổ cao, thích sống gần hơi ấm của con người và gia súc. Độc tính của nọc ong này khá cao; nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.
– Loại to: Làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc. Chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt. Chúng thường làm tổ ở các gò, đồi, mô đất cao hơi yên tĩnh, thường xa nhà và nơi thả gia súc.
Nọc độc của ong vò vẽ gồm các chất histamin (gây dị ứng rất mạnh và rất nhanh, khoảng 20-30 phút sau khi bị đốt) các enzym, peptid độc, serotonin và kinin. Các chất này gây sốc phản vệ nhanh, đau buốt, sưng nề tại chỗ và lan tỏa, dẫn đến tổn thương gan và suy gan, tổn thương thận và suy thận, tiêu cơ vân, tan máu.
Tùy số nốt đốt và phản ứng của từng cá thể, bệnh nhân có thể bị phù mặt, thanh khí phế quản và thanh môn, khó thở, nói khàn; có thể liệt thần kinh (mặt, ngoại biên, mắt), thậm chí bị tổn thương thần kinh lan tỏa rất nặng nề. Độc chất của nọc ong vò vẽ còn có thể gây nhược cơ trầm trọng.
Theo tinsuckhoe.com