Ngày nay, do việc sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn có chất bảo quản; do nguồn thực phẩm được chăn nuôi bằng các thức ăn công nghiệp có dư lượng của hormon…

 

Phát hiện sớm gan bị nhiễm độc

Ngày nay, do việc sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn có chất bảo quản; do nguồn thực phẩm được chăn nuôi bằng các thức ăn công nghiệp có dư lượng của hormon, thuốc kháng sinh; do dùng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật được trồng bằng các sản phẩm tổng hợp, có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của yếu tố khí hậu, ô nhiễm môi trường…, tất cả các yếu tố đó khi vào cơ thể đều phải thải độc qua gan. Tuy nhiên, đến một chừng mực nào đó, tùy thuộc khả năng của từng người, gan sẽ bị nhiễm độc. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, sớm giải độc cho gan, cần phải phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc gan. Các triệu chứng nhiễm độc gan gồm:

Thay đổi màu da: làn da của người bệnh thay đổi so với trước đây, thường da có màu vàng tái, nhợt nhạt. Khi gan không có khả năng thải các độc tố ra ngoài cơ thể, độc tố sẽ tích tụ dưới da, làm cho da có màu vàng bệnh lý.

Phân và nước tiểu có màu bất thường: là dấu hiệu rất rõ ràng khi gan bị nhiễm độc. Màu nước tiểu trở nên vàng sậm hơn bình thường. Trong phân có thể xuất hiện các vết máu…

Hơi thở “có mùi”: là một trong những dấu hiệu của tổn thương gan. Do khả năng giải độc của gan kém khiến một số độc tố, chất cặn bã được bài tiết qua phổi và hơi thở có mùi hôi khó chịu.

Đắng miệng: người bệnh cảm thấy trong miệng có vị đắng kèm theo đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy, dễ cáu giận, đại tiện táo bón, tiểu tiện đỏ vàng.

Nổi mụn nhọt, mẩn ngứa: theo Đông y, mụn nhọt do huyết nhiệt và nhiệt độc gây nên. Nguồn gốc của bệnh là do gan yếu, khả năng giải độc của gan kém khiến các độc tố bị tích tụ trong cơ thể. Chất độc tích tụ lâu ngày sẽ phát tán qua da và gây nên các triệu chứng như nổi mày đay, mẩn ngứa… mụn nhọt.

Mệt mỏi, chán ăn: khi bị suy giảm chức năng gan làm giảm khả năng chuyển hóa và giảm tiết mật gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, ăn không tiêu, dễ bị táo bón.

Những dấu hiệu trên là biểu hiện tình trạng gan của bạn đã và đang bị nhiễm độc. Nếu không có biện pháp giải độc gan kịp thời, gan có nguy cơ bị tổn thương và dễ mắc các bệnh nặng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan…

Phương pháp bảo vệ gan

Muốn bảo vệ gan, có 2 việc cần làm: một là hạn chế chất độc tiếp tục xâm nhập vào gan; hai là giải độc cho gan.

Hạn chế chất độc tiếp tục xâm nhập vào gan bằng cách: bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu, bia; hạn chế ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên nướng; hạn chế dùng thức ăn nhanh, chế biến sẵn, hạn chế tiếp xúc với các chất độc trong không khí như khói bụi, mùi xăng dầu, sơn, dung dịch tẩy rửa, sơn móng tay, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, phân bón…

Giải độc cho gan bằng cách: uống nhiều nước, tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội, tạo dung môi cho cơ thể thải chất độc ra ngoài qua phân, nước tiểu, mồ hôi và hơi thở. Uống các loại nước ép trái cây và ăn nhiều trái cây các loại để bổ sung vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể, giúp giảm gánh nặng cho gan. Tăng cường các chất: lycopene có nhiều trong dưa hấu, cà chua, cam, đu đủ, ổi; vitamin A có nhiều trong cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang, sữa, phô mai, lòng đỏ trứng và gan; vitamin E có nhiều trong các loại hạt, súp-lơ xanh, dưa leo, xoài…; vitamin C có nhiều trong cam, quýt, chanh…; vitamin K có trong các loại rau có màu xanh đậm… Có thể dùng các thức uống có tính chất nhuận gan như ac-ti-sô, nhân trần, diệp hạ châu…

Nguồn: BS. Bùi Thị Thu Hương ( Sức khỏe & Đời sống )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *