Khi đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực sức khỏe, mỗi bác sĩ đều có cách riêng để trì hoãn sự lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Dưới đây là lời tâm sự về việc giữ gìn sức khỏe và tinh thần của các thầy thuốc nổi tiếng.

 

Phải có những khoảng dừng

Là bác sĩ phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, mạch máu, có khi nào ông cảm thấy tim mình bị mệt? Bằng cách nào ông cân bằng và có thời gian để viết báo, đóng phim? Hình như bệnh tĩnh mạch ưu ái phụ nữ hơn đàn ông, nhưng xem ra bệnh này không “tha” bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng… 

– TS Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y dược TP.HCM: Trái tim là cơ quan nhạy cảm nhất trong cơ thể trước mọi biến đổi của sức khỏe và tình cảm. Những vui buồn xảy ra trong cuộc sống đều làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Đặc biệt với vai trò của một thầy thuốc, một phẫu thuật viên, chứng kiến con người đứng giữa ranh giới cái sống và cái chết, tôi càng thấy rõ những ảnh hưởng đó.

Để bảo vệ tim, cần có một chế độ sống lành mạnh: không thuốc lá, rượu bia vừa phải, ăn uống hơi đạm bạc, nhiều rau cá và ít thịt, ít cao lương mỹ vị. Điều này, tôi thường khuyên bệnh nhân, nhưng với bản thân xem ra không dễ. Ở tuổi trung niên, lại có nhiều mối quan hệ xã hội, quy luật tất yếu là ngày càng nhiều dịp ăn uống tiệc tùng. Giữ mình trước những thú vui không dễ, nhưng muốn có một trái tim khỏe, đành phải sống có phần “ép xác” thôi, chứ cứ thoải mái chè chén, nhậu nhẹt sẽ có ngày trái tim nhạy cảm của người thầy thuốc sẽ bị bệnh. Khuyên bệnh nhân sao thì tôi làm vậy, buổi tối tôi đạp vài vòng xe để vận động và giữ sức khỏe. Tất nhiên, không ai giữ được tim khỏe cả đời, vì quy luật sinh – lão – bệnh – tử thì không ai có thể tránh khỏi.

Công việc nhiều, cách làm việc không có kế hoạch, thất bại trong công việc, áp lực của sếp tại cơ quan… cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự khỏe mạnh của trái tim. Tốt nhất là phải làm việc có kế hoạch và tôi luôn đi theo hướng này, làm chủ công việc và cuộc đời mình, không lệ thuộc vào bất kỳ ai, có một chút tham vọng nhưng không quá nhiều, trong hành trình của cuộc sống phải có những khoảng dừng, nếu mệt nên dừng lại nghỉ ngơi, sau đó đi tiếp. Chính sự dừng lại này giúp ta thư giãn và nhìn vấn đề rõ hơn để có những bước vững chắc hơn.

Về bệnh tĩnh mạch, đúng là đàn ông ít bị suy tĩnh mạch hơn phụ nữ vì ít bị ảnh hưởng của nội tiết tố nữ oestrogen, không đi giày cao gót, không sử dụng thuốc ngừa thai và không mang nặng đẻ đau. Nhưng, trong giới y tế, các phẫu thuật viên, trong đó có tôi và điều dưỡng dụng cụ trong phòng mổ… do phải đứng lâu nên dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính. Chúng tôi đành uống thuốc tĩnh mạch và đi vớ y khoa khi dự kiến cuộc phẫu thuật sẽ kéo dài trên hai giờ đồng hồ. Kỹ như vậy, nhưng có người vẫn bị bệnh. Ở bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu), hơn 90% điều dưỡng dụng cụ bị suy giãn tĩnh mạch.

Khỏe nhờ rèn luyện

GS-TS-BS Trần Đông A – Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, một trong những phẫu thuật viên chính của ca mổ Việt Đức, đến nay ông đã 74 tuổi nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, vẫn đứng phẫu thuật 8 -12 tiếng, vẫn thức đêm theo dõi sức khỏe bệnh nhi bền bỉ. Bí quyết gì giúp ông có một sức khỏe mà nhiều người ao ước? 

– BS Trần Đông A: Không phải sinh ra đã khỏe mạnh, sức khỏe tôi có được là nhờ rèn luyện và giữ gìn. Đầu tiên là nhờ theo đuổi chuyên ngành y, tôi hiểu được nguyên tắc vận hành sinh lý con người. Cụ thể: Các cơ quan trong cơ thể tái tạo phần lớn vào ban đêm, vì vậy, đi ngủ trước 12g đêm rất có lợi cho sức khỏe các cơ quan nội tạng.

Chẳng hạn, hồng cầu sinh trước 12g đêm sẽ khỏe hơn hồng cầu sinh sau 12g đêm. Hồng cầu sinh trước 12g có tuổi thọ 120 ngày, còn hồng cầu sinh sau 12g thường “chết non” trong khoảng 70–80 ngày. Hồng cầu chịu trách nhiệm chuyên chở oxy đến các cơ quan, điều này lý giải vì sao những người thức khuya có làn da xanh mét, mau mỏi mệt. Theo dõi bằng y học chứng cớ, các nhà khoa học nhận thấy rằng, khi không đủ oxy thì không cơ quan nào hoạt động tốt. Nhờ thường xuyên đi ngủ sớm mà tinh thần tôi minh mẫn, kể cả khi thực hiện những ca phẫu thuật về đêm.

Do buổi chiều làm việc trí não, nên buổi trưa tôi sẽ ăn ít, vì ăn no máu sẽ dồn xuống bộ phận tiêu hóa khiến công việc không hiệu quả, lại dễ tổn thương hệ tiêu hóa. Sau khi dùng bữa chính vào buổi tối, tôi không làm việc trí não nữa mà chỉ nghỉ ngơi. Tất cả công việc kể cả nghiên cứu khoa học đều dành cho buổi sáng sớm. Nếp sinh hoạt này, tôi áp dụng mỗi ngày từ thời trẻ, đến nay không hay đổi.

Về ăn uống, tôi quen với bữa cơm nhiều rau củ, ít thịt cá. Tôi không ăn món nhiều mỡ, không ăn nhiều thịt quá và cũng không ăn chay.

Cuối cùng là vận động. Tôi không ngồi một chỗ, không nằm nhiều. Từ thời thanh niên, tôi đã chơi quần vợt mỗi ngày một tiếng vào buổi sáng lúc 5g – 6g, hiện nay do sân quần vợt có ngay trong chung cư tôi ở nên có thay đổi chút ít về thời gian, chuyển sang từ 6g – 7g. Buổi chiều sau khi làm việc, tôi dùng một món ăn rất nhẹ rồi đi bộ nửa tiếng quanh hồ bơi, nơi có không khí thoáng, gió lộng để hít – thở điều hòa và sâu.

Nguồn: Phương Nam ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *