Ngoài việc chọn đúng điểm nhấn bạn cần quan sát hậu cảnh thật kỹ lưỡng trước khi bấm máy để có được một bức ảnh hoa đẹp.
Lựa chọn điểm lấy nét
Với ảnh hoa cỏ, việc lựa chọn điểm lấy nét để tạo điểm nhấn thay vì sử dụng chế độ lấy nét đa điểm là một yếu tố hết sức quan trọng giúp tạo chiều sâu cho ảnh. Một bức ảnh chụp hoa mà trong đó tất cả mọi thứ đều rõ nét như nhau được cho là một bức ảnh tệ vì thiếu điểm nhấn.
Trong một số trường hợp chụp hoa, đôi khi bạn cũng phải tắt chế độ lấy nét tự động và canh chỉnh nét một cách hoàn toàn thủ công. Vì trong kỹ thuật chụp ảnh cận cảnh với các đối tượng là hoa lá, việc lấy nét tự động đôi khi không được chính xác như mong muốn do độ sâu trường ảnh hẹp (trị số khẩu độ nhỏ).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thay đổi độ nét cũng sẽ làm ảnh hưởng đến độ phóng đại của mẫu vật. Tốt nhất, hãy sử dụng chế độ Live View (nếu máy hỗ trợ) để kiểm soát chính xác độ nét của vật mẫu.
Thời gian chụp
Thời gian tốt nhất để có thể chụp những tấm ảnh hoa đẹp thường vào buổi bình minh hay trước khi mặt trời lặn. Lúc này, sắc hoa sẽ có độ bão hòa màu tốt nhất do ánh sáng môi trường không quá gay gắt và gió cũng không quá mạnh ở một số nơi.
Để kiểm soát tốt độ bão hòa màu trong các cảnh chụp ngoại cảnh khi ánh sáng môi trường không thuận lợi, bạn có thể dùng bất kỳ vật dụng nào (ví dụ như tấm hắt sáng), hay nhờ hẳn một người làm phụ tá để tạo bóng râm cho mẫu vật cần chụp.
Bố cục cho ảnh hoa, lá
Để tránh bố cục nhàm chán khi chụp thể loại ảnh này, bạn chỉ cần đơn giản di chuyển chủ thể cần chụp ra khỏi tâm khung hình hay di chuyển đến một góc nhìn khác. Với bố cục ảnh một phần ba tương tự như thể loại ảnh chân dung, những bức ảnh hoa của bạn sẽ trông chuyên nghiệp hơn nhiều.
Ngoài ra, hãy thay đổi tư thế cầm máy từ phương ngang sang phương thẳng đứng. Mặc dù tư thế này có phần hơi khó với một số người mới làm quen với nhiếp ảnh – nhưng hầu hết các nhiếp ảnh gia đều sử dụng góc chụp đứng cho thể loại ảnh này; hơn nữa, số lượng ảnh chụp hoa theo phương thẳng đứng cũng có tần suất xuất hiện trên tạp chí, sách báo nhiều hơn so với kiểu chụp ngang thông thường.
Phóng đại mẫu vật đến mức tối đa
Trong chụp ảnh hoa lá, việc phóng đại mẫu vật cần chụp đến hết mức có thể không những giúp toát lên chi tiết của ảnh chụp, mà còn mang lại cho người xem một xúc cảm mạnh mẽ. Để có thể có thể tiến đến gần và phóng lớn chủ thể một cách tốt nhất, bạn nên sử dụng những ống kính macro chuyên dụng với tiêu cự từ 50 mm đến 200 mm tùy những mục đích khác nhau.
Những ống kính chuyên dụng này cho phép bạn “tiến gần” đến đối tượng cần chụp hơn và làm nổi bật những chi tiết mà mắt thường khó có thể nhận ra. Tuy nhiên, những ống kính macro này thường khá đắt đỏ. Vì thế, bạn có thể lựa chọn sử dụng các “ống nối” (extension tube) để tăng hệ số phóng đại của ống kính thông thường lên nhiều lần khi cần chụp cận cảnh hoa, cỏ.
Bên cạnh những loại ống nối giá rẻ (khoảng 200.000 đồng) gồm 2 – 3 ống nối lại với nhau không hỗ trợ canh nét tự động hay tùy chỉnh khẩu độ, còn có những loại ống nối đắt tiền hơn được trang bị hệ thống mạch điện tử cho phép thao tác chụp ảnh dễ dàng hơn nhiều.
Sử dụng chế độ chụp M (Manual)
Khi chụp ảnh với chế độ M, bạn có thể dễ dàng sáng tạo những bức ảnh cho kết quả theo đúng ý mình. Tuy nhiên, hãy luôn chú ý đến biểu đồ đo sáng (histogram) để bảo đảm bức ảnh không quá sáng hay quá tối. Bên cạnh đó, hãy luôn thiết lập ISO ở mức thấp nhất mà máy hỗ trợ để đảm bảo độ sắc nét của ảnh chụp.
Nếu trường hợp phải chụp ảnh ở tốc độ chậm, bạn sẽ phải cần đến sự trợ giúp của chân đế (tripod hay monopod) để giảm thiểu hiện tượng nhòe hình. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng chế độ chụp đơn thay vì chụp liên tục (continuous), thiết lập White Balance là Daylight cho các cảnh chụp dưới trời nắng và sử dụng định dạng ảnh RAW khi chụp ảnh hoa lá để có thể dễ dàng chỉnh sửa hậu kỳ nếu cần.
Ánh sáng
Trong kỹ thuật chụp ảnh macro với hoa cỏ, ánh sáng cũng là một yếu tố quyết định tính "sống còn" của một bức ảnh. Bạn có thể sử dụng nguồn sáng tự nhiên hay đèn flash để tạo những hiệu ứng đặc biệt cho ảnh chụp. Tuy nhiên, do chụp từ khoảng cách gần, hãy chú ý điều tiết công suất đèn flash tích hợp sao cho hợp lý bằng cách tham khảo sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh.
Nếu may mắn sở hữu một đèn flash rời, bạn nên sử dụng kỹ thuật đánh đèn từ một phía trái/phải hay đánh đèn từ phía sau mẫu vật. Nếu có điều kiện hơn nữa, hãy đầu tư hẳn đèn flash chuyên chụp cận cảnh như Macro Ringflash để cung cấp nguồn sáng phụ cho vật mẫu.
Ngoài ra, tấm hắt sáng cũng là một phụ kiện lý tưởng cho những cảnh chụp ngược sáng. Nếu muốn ảnh chụp có tông màu ấm áp, hãy sử dụng tấm hắt sáng màu vàng. Ngược lại, sử dụng tấm hắt sáng màu trắng sẽ cho ảnh chụp có tông màu dịu hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng tấm hắt sáng như tấm chắn gió khi chụp hoa, cỏ mỗi khi trời trở gió.
Chú ý hậu cảnh
Một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến chính là luôn quan sát hậu cảnh thật kỹ lưỡng trước khi bấm máy. Một bức ảnh hoa với phông nền rối sẽ không làm nổi bật được chủ thể cần chụp. Nếu có thể can thiệp trực tiếp vào cảnh chụp, hãy tăng khoảng cách giữa mẫu vật với hậu cảnh và dùng khẩu độ lớn (trị số nhỏ) để làm mờ phông nền. Ngược lại, bạn có thể dùng những phụ kiện dễ tìm như một tờ giấy trắng/màu để làm phông nền.
Tóm lại, để có thể chụp những bức ảnh hoa cỏ đẹp, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng những vật dụng cần thiết, bạn cũng cần thêm chút kiên nhẫn, sáng tạo. Và hãy luôn nhớ đừng cố gắng thay đổi hay sắp xếp những gì không thuộc về bạn.
Theo Số hóa