Bệnh viêm gan B gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi B, bệnh do vi-rút gây ra. Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm bệnh viêm gan B chiếm khoảng 15% dân số.

Bệnh dễ bị bỏ qua

* Bệnh viêm gan B diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu dù là viêm gan mạn ở thể hoạt động. Vì vậy, bệnh nhân thường không chú ý đi khám để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

* Viêm gan B có thể gây biến chứng xơ gan và ung thư gan.

– Viêm gan B mạn thể người lành mang mầm hay thể ngủ yên ít nguy cơ diễn tiến thành xơ gan (1-2%/năm) và ung thư gan (0,1-0,3%/năm).

– Viêm gan B mạn thể hoạt động có nguy cơ diễn tiến thành xơ gan rất cao (5-10%/năm) và ung thư gan (3-8%/năm).

Bệnh viêm gan B gồm những thể bệnh nào?

 

 VIÊM GAN B CẤP

+ Triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có men gan tăng cao. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thì triệu chứng rất mờ nhạt, chỉ là tiểu sậm màu thoáng qua, ăn kém.

+ Khả năng hồi phục của thể bệnh này tùy thuộc vào độ tuổi bị mắc bệnh. Nếu mắc bệnh ở tuổi dưới 10, nhất là dưới một tuổi thì 90% trường hợp, vi-rút vẫn tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều tháng, nhiều năm, gây ra viêm gan B mạn. Ngược lại nếu nhiễm bệnh ở tuổi trên 10, nhất là trên 18 tuổi, thì 90% trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn với việc diệt sạch vi-rút và tạo ra kháng thể bảo vệ trong máu.

– VIÊM GAN B MẠN THỂ NGƯỜI LÀNH MANG MẦM

+ Bệnh nhân thường là trẻ em hoặc người trẻ dưới 30 tuổi, không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi đi hiến máu, kiểm tra khi mang thai.

+ Thường ở thể này, vi-rút viêm gan B sinh sản rất nhiều trong gan và trong máu (lượng vi-rút trong máu có thể tới hàng trăm triệu) nhưng chúng vẫn không tấn công hoặc tấn công rất ít vào lá gan nên gần như gan vẫn còn mềm mại, không bị hư hại gì nên siêu âm cho kết quả gan vẫn tốt, kết quả xét nghiệm men gan và chức năng gan cũng bình thường.

– VIÊM GAN B MẠN THỂ NGỦ YÊN

+ Ở thể này, vi-rút viêm gan B nằm yên, sinh sản kém với lượng vi-rút trong máu âm tính hoặc rất thấp và gần như không tấn công lá gan.

+ Thể này thường gặp do kết quả của thuốc điều trị được sử dụng đúng thời điểm hoặc đôi khi phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe, do khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể giúp khống chế được vi-rút một phần.

– VIÊM GAN B MẠN THỂ HOẠT ĐỘNG

+ Bệnh nhân thường trên 30 tuổi.

+ Bệnh nhân thường có những triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu, các nốt đỏ ở da ngực, da lưng. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không có triệu chứng.

+ Ở thể này, vi-rút có thể sinh sản nhiều, rất nhiều hoặc vừa phải, nhưng điều quan trọng là vi-rút bắt đầu tấn công gan, gây ra những hư hại trong gan làm gan to ra, không còn mềm mại nữa và xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao.

Điều trị

Việc dùng thuốc đúng thời điểm bệnh chuyển sang thể hoạt động thì mới đạt hiệu quả. Đây là bệnh cần điều trị lâu dài và dễ tái phát sau ngưng thuốc. Thuốc điều trị có hai nhóm chính:

+ Nhóm thuốc uống diệt trực tiếp vi-rút: ít tác dụng phụ, cần điều trị duy trì kéo dài. Dùng thuốc tối thiểu là ba-năm năm.

+ Nhóm thuốc chích: với ưu điểm mới là kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể, để cơ thể tự tiêu diệt vi-rút. Thuốc này chỉ cần dùng trong một năm, khả năng duy trì đáp ứng tốt sau hai-ba năm ngưng thuốc, nhưng có nhiều tác dụng phụ.

Bệnh nhân viêm gan B mạn nên:

Đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa – gan mật để được làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu, nhằm xác định thể ngủ yên, thể người lành mang mầm hay thể hoạt động. Nếu ở thể hoạt động thì cần được điều trị thuốc thích hợp ngay lập tức. Nếu ở thể ngủ yên hay thể người lành mang mầm thì cần theo dõi định kỳ, mỗi 6-12 tháng xét nghiệm đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của vi-rút để phát hiện kịp thời khi bệnh chuyển sang thể hoạt động. Một việc quan trọng trong điều trị bệnh gan là người bệnh phải bỏ rượu bia.

Phòng bệnh

– Vi-rút viêm gan B lây truyền qua các đường sau:

+ Tình dục không an toàn: tỷ lệ lây nhiễm 24-40%.

+ Tiếp xúc với các vật dùng chung có dính máu như tiêm chích ma túy, dao cạo râu, chích lể, châm cứu, bàn chải đánh răng…: tỷ lệ lây khá cao: trên 50%.

+ Từ mẹ có thai sang thai nhi khi sinh đẻ: Nếu vi-rút đang phát triển và sinh sản mạnh, tỷ lệ lây khoảng 50-90%. Nếu vi-rút phát triển và sinh sản kém thì tỷ lệ lây khoảng 30%. Nếu vi-rút ở dạng không hoạt động thì tỷ lệ lây dưới 10%.

– Để phòng ngừa bệnh viêm gan B, chúng ta cần:

+ Kiểm tra xem đã nhiễm bệnh hay chưa qua xét nghiệm máu tìm dấu ấn HBSAg.

+ Chủng ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả hàng đầu.

+ Tình dục an toàn.

+ Không dùng chung các vật sắc nhọn như dao lam, dao cạo râu, dụng cụ làm móng tay móng chân, kim châm cứu…

Phụ nữ mắc bệnh viêm gan B nếu muốn có thai cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được xác định ở thể bệnh nào.

– Nếu không phải ở thể hoạt động:

+ Có thai bình thường.

+ Theo dõi với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật trong thời gian mang thai.

+ Phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con bằng cách:

* Ba tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc ngắn hạn để giảm lượng siêu vi trong máu, giúp giảm khả năng lây cho thai khi sinh.

* Chủng ngừa với kháng thể thụ động (HBIg) đồng thời với tiêm liều vắc-xin phòng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 12 giờ sau sinh. Sau đó tiếp tục tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B liều thứ hai khi bé được một hai tháng và liều thứ ba khi bé được sáu tháng.

* Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường nếu trẻ được chích ngừa đủ trừ phi đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu.

– Nếu người mẹ ở thể hoạt động:

+ Theo dõi và điều trị với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật.

+ Khi bệnh ổn định thì có thể ngưng thuốc và có thai bình thường.

+ Khi mang thai cần theo dõi vì có thể bệnh sẽ tái hoạt động trở lại.

Nguồn: BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *