Ngồi làm việc lâu trong văn phòng khiến cơ thể dễ bị mỏi. Nhiều người khởi động lấy lại tinh thần bằng cách bẻ khớp ngón tay, chân, vặn cổ… thậm chí vặn cả cột sống. Tuy những thao tác này giúp cơ thể thoải mái, dễ chịu hơn nhưng lại làm mất thẩm mỹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 thường tiếp nhận nhiều trường hợp bong gân, trật khớp do bẻ khớp, vặn khớp quá mức. Nhẹ thì dây chằng chỉ bị giãn, nặng thì dây chằng bị rách một phần hoặc bị đứt hoàn toàn.

BS Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 lý giải, khớp có nhiều thành phần như cơ, dây chằng, sụn, xương, gân… để giữ vững. Mỗi khớp có một cấu trúc riêng, chỉ chịu được một lực nào đó, nếu hoạt động quá nhiều hoặc dùng một lực lớn ép quá thì khớp sẽ bị tổn thương.

 

Tổn thương thường gặp nhất là bong gân, trật khớp, giãn và rách dây chằng. Điểm nối giữa hai khớp gồm: dây chằng có nhiệm vụ neo xương với xương, giữ cho khớp được vững; chất hoạt dịch lỏng, nhờn như dầu giúp bôi trơn khớp khi co duỗi, cử động; gân nối xương với cơ và chuyển sức co của cơ vào xương. Khi bẻ vặn khớp, gân, dây chằng sẽ giãn ra hết mức, áp lực trong khớp giảm làm dịch khớp biến thành bong bóng giữa khe hở hai mặt khớp, khi bị áp lực giảm thấp, bong bóng sẽ nổ, phát ra âm thanh kêu “lụp cụp”. Một khi phát ra tiếng kêu nghĩa là gân, khớp, dây chằng đã bị tổn thương.

Nếu nắn, bẻ khớp lâu ngày còn dẫn đến đau nhức các khớp, thoái hóa khớp. Sụn ở khớp là lớp tế bào trong như thạch, rất bền dai, có thể ép và đàn hồi, không có mạch máu và dây thần kinh. Sụn có công dụng che chở đầu xương như lớp đệm, tránh sự ma sát khi khớp cử động. Tuy quan trọng như vậy nhưng sụn lại là những tế bào rất mỏng manh, khó nuôi cấy, dễ thoái hóa mà sự tái tạo lại rất khó khăn. Khi bị nắn bẻ lâu ngày, sụn sẽ bị bào mòn và suy yếu không còn bảo vệ được khớp, dẫn đến thoái hóa mặt khớp. Bên cạnh đó, do sụn khó tái tạo, không có dây thần kinh nên không có “trách nhiệm” về cảm giác đau trong các bệnh về khớp, mà do các gai xương mọc ra để chống lại hiện tượng mất sụn. Chính các gai xương này tấn công tổ chức mô quanh khớp gây sưng và đau khớp.

Tuổi càng lớn, chức năng cũng như cấu tạo của khớp có nhiều thay đổi, các tế bào của khớp thoái hóa, trở nên kém linh động. Gân và dây chằng phân đoạn, đóng vôi, khô cằn, trở nên kém bền bỉ, kém co giãn. Sụn trở nên đục màu, hóa xơ, khô nước, rạn nứt với nhiều tinh thể calcium. Màng hoạt dịch cũng mỏng và khô dần. Do đó, chỉ cần một tác động nhẹ như vặn bẻ cũng làm khớp bị thương và tốc độ thoái hóa khớp diễn tiến rất nhanh.

BS Hồ Phạm Thục Lan khuyến cáo, việc nắn bẻ khớp thường xuyên còn làm các mô quanh khớp bị kích thích, phì đại hơn bình thường, gây mất thẩm mỹ và giảm sức cầm nắm. Để giảm cảm giác mỏi trong khi làm việc văn phòng, nên có những biện pháp hỗ trợ giúp giảm tình trạng căng cơ, mỏi cơ do duy trì cố định ở một tư thế quá lâu như dùng ghế làm việc có độ cao, khoảng cách thích hợp với bàn máy tính; không nên ngồi quá lâu một chỗ, cách 30 phút nên đi lại cử động một lần. Nếu mỏi chỉ nên cử động khớp nhẹ nhàng, thay vì bẻ các khớp ngón tay, chân hoặc vặn cột sống.

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *