Nhiều người cho rằng cứ ăn trái cây là sẽ tốt cho sức khỏe. Thực tế, việc ăn trái cây không đúng cách, ăn với số lượng không thích hợp có thể gây hại, đặc biệt với những người bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì…
Theo BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, ăn trái cây giúp cung cấp năng lượng từ lượng đường fructose, glucose có trong trái cây và các chất dinh dưỡng khác như chất béo (tùy loại trái cây có hoặc không). Ngoài ra, trái cây còn có vitamin và khoáng chất, nước và chất xơ. Chính lượng nước và chất xơ dồi dào trong trái cây giúp người sử dụng có cảm giác no nhưng không chứa năng lượng. Như vậy, ăn trái cây chỉ giúp giảm cân nếu trái cây đó ít ngọt và người sử dụng giảm ăn thức ăn khác khi ăn trái cây. Còn nếu ăn nhiều trái cây ngọt thường xuyên và vẫn dư thừa các thực phẩm khác thì không tránh khỏi hiện tượng tăng cân.
Nên chọn loại trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, mận, cóc, ổi, củ sắn, táo, lê, dưa hấu… Nếu ăn no trái cây trước bữa cơm 15-20 phút thì sẽ giúp giảm lượng cơm ăn vào, có tác dụng giảm béo. Còn việc ăn thêm nhiều trái cây vào buổi tối, trước khi đi ngủ, nhất là các loại trái cây ngọt như mít, sầu riêng, nhãn, vải, chuối chín… có thể dẫn đến tăng cân nếu vẫn duy trì chế độ ăn như cũ.
Trái cây còn xanh hay chưa chín có hàm lượng đường thấp hơn trái cây chín, nên cung cấp năng lượng thấp hơn. Điều quan trọng là trái cây chưa chín không làm tăng đường huyết nhanh và nhiều, nên an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường.
Trái cây khô do tối giản lượng nước nên có vị ngọt đậm, lượng đường không thay đổi khi được sấy khô. Tuy nhiên, trái cây khô thường được ăn nhiều hơn trái cây tươi (do trái cây tươi có nhiều nước làm no hơn) nên có thể khiến người ăn tăng năng lượng nạp vào. Trái cây có vị chua, đắng cung cấp ít năng lượng hơn nên sẽ không gây tăng cân bằng trái cây ngọt.
Với người bệnh tiểu đường, nên lưu ý trong việc chọn loại trái cây và cách ăn sao cho thích hợp. Ăn trái cây chứa nhiều đường glucose sẽ không có lợi cho người bệnh tiểu đường vì nó sẽ làm tăng đường huyết, tăng nhu cầu sử dụng insulin. Vì thế, người bệnh tiểu đường nên chọn loại trái cây nào có nhiều fructose và ít glucose như: táo, lê, ổi và xoài… Nếu ăn cơm no rồi mà ăn thêm trái cây, lượng đường tổng cộng trong bữa ăn sẽ tăng, đường huyết tăng cao và nhanh, không có lợi cho sức khỏe. Ăn trái cây sau khi ăn cơm vẫn được, nhưng tốt hơn nên ăn vào bữa phụ, cách bữa chính hai-ba giờ. Chọn loại trái cây ăn nguyên trái hơn là nước ép vì có chất xơ, giúp hạn chế việc tăng đường huyết. Nếu đường huyết trong giai đoạn tăng khó kiểm soát thì không nên ăn trái cây ngọt.
Trái cây chứa nhiều kali, ít natri, nhiều chất xơ (chất xơ giúp quét cholesterol thừa, giúp phòng chống xơ mỡ động mạch) nên tốt cho huyết áp. Tuy nhiên, người cao huyết áp nếu thừa cân, béo phì nên hạn chế ăn trái cây ngọt.
Người bị viêm loét dạ dày, bệnh đau bao tử không nên ăn những trái cây chua nhiều axit như khế, me, cóc, xoài xanh… Vì ăn trái cây chua lúc bụng trống, axit sẽ kích thích bao tử tiết dịch vị nhiều hơn, làm bệnh nặng hơn.
Theo Phunuonline