Bệnh tim mạch giết 17,5 triệu người vào năm 2012 – chiếm 30% các trường hợp tử vong và được coi là căn bệnh hại nhiều người nhất thế giới.
Nếu bạn có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh tim mạch, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giữ ổn định nhịp tim của mình bằng cách thực hiện lối sống, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh.
Dưới đây là một số thay đổi đơn giản mà bạn có thể làm ngay từ hôm nay để giảm nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai.
1. Lưu ý khi ăn uống đồ ăn chứa chất béo
Có thể bạn đã được nghe những lời khuyên như loại bỏ các chất béo bão hòa và thay thế với chất béo không bão hòa. Điều này là bởi vì một chế độ ăn giàu chất béo bão hòa được cho là có thể dẫn đến mức độ cholesterol xấu trong máu tăng lên, có thể dẫn đến thu hẹp các động mạch và nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, hiện nay có một số tranh cãi về việc liệu những thay đổi chế độ ăn uống này có tạo ra nhiều sự khác biệt liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim hay không.
Một cái nhìn tổng quan gần đây của nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng cho thấy việc hạn chế chất béo bão hòa và tăng tiêu thụ chất béo không bão hòa có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Mặc dù không khuyến khích việc tiêu thụ các loại thực phẩm như đồ chiên rán nhiều mỡ, bánh ngọt, khoai tây chiên và các món chế biến khác… nhưng các chuyên gia sức khỏe cho rằng ăn các thực phẩm như bơ, pho mát và kem với số lượng ít có thể không gây hại cho chúng ta.
2. Giữ tỉ lệ eo-hông ở mức chấp nhận được
Như bạn đã biết, bệnh tim và trọng lượng cơ thể có mối liên hệ với nhau rõ ràng. Những người béo phì, thừa cân không chỉ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 mà còn tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và nhiều bệnh khác. Nếu vòng eo của bạn càng tăng thì nguy cơ càng cao.
Để tính toán tỉ lệ eo- hông, bạn chia số đo vòng bụng cho số đo vòng hông. Tỉ lệ này cao (0,85 trở lên) thì đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao đối với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, cao huyết áp hoặc tiểu đường… thậm chí ngay cả khi bạn không thừa cân.
Để giảm nguy cơ này, ngoài việc ăn uống lành mạnh, bạn cần có chế độ thể dục, vận động đều đặn, thích hợp.
3. Tránh ăn thịt đỏ
Giảm lượng thịt đỏ tiêu thụ trong chế độ ăn uống như khuyến cáo của nhiều nghiên cứu về sức khỏe sẽ rất có ích cho bạn việc phòng ngừa bệnh tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn một lượng lớn thịt đỏ có thể làm tăng tình trạng suy tim lên đến 24%.
Tuy nhiên, bằng chứng gần đây cho thấy rằng điều này có liên quan nhiều hơn với thịt đỏ được chế biến (xúc xích, thịt xông khói…). Các nhà nghiên cứu tính toán rằng với mỗi 50g thịt chế biến ăn mỗi ngày (khoảng một hoặc hai lát trong bánh hambeger) có thể tăng nguy cơ suy tim tới 8% và nguy cơ tử vong lên 38%.
4. Tránh tiêu thụ nhiều muối
Theo Tổ chức Tim mạch Anh (The British Heart Foundation) thì việc tiêu thụ quá nhiều muối rõ ràng có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim trong cuộc sống về sau này. Tổ chức cũng đưa ra khuyến cáo, người lớn nên tiêu thụ ít hơn 6 gram (1 muỗng cà phê) muối mỗi ngày.
Cắt giảm lượng muối không chỉ có nghĩa là giảm lượng muối khi nấu nướng mà còn tức là bạn nên chú ý khi tiêu thụ các thực phẩm chế biến – những món ăn chứa rất nhiều muối.
5. Nói không với đường
Một nghiên cứu dân số lớn ở Mỹ cho thấy, những người tiêu thụ nhiều hơn 25% lượng calo hàng ngày của họ từ việc tiêu thụ đường đều có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 3 lần so với những người tiêu thụ đường tạo ra ít hơn 10% calo của họ. Kết quả này độc lập với các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm cả trọng lượng cơ thể.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường trong khi nó không hề cung cấp chất dinh dưỡng nào. Bởi vậy, việc cắt giảm lượng đường tiêu thụ là hết sức cần thiết.
6. Giảm stress
Căng thẳng, stress là một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tim mạch. Sự căng thẳng tạo ra hormone cortisol có thể làm tăng chất béo không lành mạnh ở vùng bụng, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch. Khi căng thẳng, stress, bạn càng cảm thấy thèm ăn những thực phẩm nhiều đường và nhiều chất béo. Điều này sẽ càng làm cho tình trạng tim mạch của bạn tồi tệ hơn. Vì vậy, việc loại bỏ stress là hết sức cần thiết.
Nguồn: DailyMail ( afamily )