Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy là biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Nguồn: cdc.gov
Virus cúm A/H1N1 chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường miệng nhưng hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa. Virus cúm A/H1N1 khi ra khỏi cơ thể người sẽ chết sau 2 giờ, nếu nó nằm trong dịch tiết mũi, miệng thì có thể tồn tại 10 ngày. Do vậy, việc phòng chống cúm A/H1N1 bằng cách: rửa tay, rửa mũi, đeo khẩu trang sạch là những biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả cao. Ngoài ra, 3 biện pháp này còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe hàng ngày cho người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Rửa tay đúng cách
Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy là tốt nhất. Thị trường có bán nhiều loại xà phòng nước để rửa tay (chỉ cần 1 giọt cho một lần rửa tay). Đơn giản nhất là dùng xà phòng bánh (loại chế từ dầu thực vật, có mùi thơm như: sả, hoa nhài…) vừa rẻ tiền, vừa tiện mang theo khi đi xa. Không nên dùng các loại xà phòng diệt khuẩn (vì nó diệt luôn cả vi khuẩn có ích trên da).
Rửa tay khi nào? Trước và sau khi ăn, trước và sau khi làm việc (nhất là khi tiếp xúc với bệnh nhân; với thực phẩm, dược phẩm ở khâu còn hở; đếm tiền, nhận tiền).
Cách rửa tay: làm ướt 2 bàn tay, thoa xà phòng rồi sát tay nọ lên tay kia, cọ kỹ ngón tay, móng tay rồi xối nước cho sạch. Lau khô tay bằng khăn khô sạch hoặc giấy khô sạch.
Rửa mũi
Khi rửa mặt, người ta thường dùng khăn rửa mặt ngoáy lỗ mũi, nhưng chỉ sạch vành ngoài, còn hốc mũi phía trong thì nhiều người chưa biết cách rửa.
Tại sao phải rửa mũi? Do hoạt động hít thở thường xuyên liên tục, hốc mũi là nơi lọc không khí trước khi vào phổi, nên hốc mũi cũng là nơi chứa nhiều chất ô nhiễm trong không khí như: virus, vi khuẩn, vi nấm, khí độc, bụi…
Khi nào cần rửa mũi? Để bảo vệ sức khỏe bản thân, buổi sáng khi rửa mặt, buổi tối trước khi ngủ. Sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như: tham gia giao thông, làm việc nơi nhiều hơi độc, khói bụi; nơi nhiều tác nhân gây bệnh (khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân; kiểm dịch động vật; chăm sóc vật nuôi; giết mổ gia súc gia cầm; tẩy độc môi trường, phun thuốc bảo vệ thực vật; sửa chữa, tẩy rửa xe cộ, máy móc, động cơ đốt trong…).
Khi thời tiết khí hậu khô hanh, cảm thấy khó chịu ở mũi.
Khi có dịch do virus: cúm A/H1N1, H5N1, SARS, quai bị, thủy đậu…
Khi có bệnh đường hô hấp như: nghẹt mũi, cảm cúm, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm xoang, viêm amyđan, viêm thanh phế quản, lao phổi…
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng: rửa mũi trước khi rửa tay để làm nhiệm vụ: tiêm chích, phẫu thuật, chăm sóc bệnh nhân. Pha chế, chế biến, đóng gói thuốc hoặc thực phẩm trong khâu sản phẩm còn hở.
Rửa mũi giúp làm sạch các chất ô nhiễm đọng ở hốc mũi Nguồn: sinucleanse.com
Chăm sóc trẻ nhỏ nhằm tránh truyền virus, vi khuẩn, vi nấm… có trong hốc mũi của mình cho các đối tượng trên.
Cách rửa sạch hốc mũi: cúi nghiêng đầu, xịt nước rửa mũi vào từng hốc mũi; dùng 2 ngón tay bóp day 2 cánh mũi cho nước chảy ra, làm như vậy 2-3 lần mới rửa sạch được niêm mạc hốc mũi.
Đối với trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi đến trẻ 2 tuổi, nên xịt nhẹ nước rửa mũi (có thể dùng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% nhỏ mỗi hốc mũi 2-3 giọt) rồi nghiêng đầu trẻ cho nước chảy ra, sau đó lau khô cho bé bằng khăn mềm sạch. Trẻ trên 5 tuổi nên hướng dẫn cho bé tự làm.
Các loại nước rửa mũi: tiêu chuẩn chung của nước rửa mũi là vô trùng, đẳng trương với huyết tương (dung dịch NaCl 0,9%) còn gọi là nước muối sinh lý. Trên thị trường có 2 loại nước rửa mũi: nước biển tự nhiên đã loại bớt NaCl để đạt hàm lượng 0,9% và dung dịch NaCl 0,9%. Các loại này được đóng trong bình xịt có đầu phun tia nhỏ hoặc phun sương.
Tự pha chế nước rửa mũi: lấy 100g muối ăn loại trắng sạch (có hàm lượng NaCl khoảng 85-90%) cho vào nước sạch đã đun sôi vừa đủ 1.000ml, khuấy cho muối tan hết rồi đun sôi lại, (ta được dung dịch muối 9%). Lấy 100ml dung dịch này, thêm nước sạch đã đun sôi vừa đủ 1.000ml rồi đun sôi lại 10 phút ta có nước muối sinh lý vô trùng làm nước rửa mũi (rửa mắt, rửa vết thương) bảo quản trong chai vô trùng. Khi bình xịt nước rửa mũi cạn thì bổ sung nước rửa mũi tự pha.
Tác dụng của nước rửa mũi: sát khuẩn nhẹ, co mạch nhẹ, co niêm mạc nhẹ; chống xuất tiết dịch mũi; giảm viêm mũi; giúp cho việc tái tạo niêm mạc mũi. Làm sạch dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi, làm cho việc thở bằng mũi được dễ dàng (chống nghẹt mũi). Làm sạch các chất ô nhiễm đọng ở hốc mũi. Chống khô mũi. Hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng.
Đeo khẩu trang sạch
Khẩu trang có tác dụng ngăn cản các tác nhân gây bệnh trong không khí xâm nhập đường mũi, miệng. Do vậy phải là khẩu trang sạch và ôm khít vùng mũi miệng, nếu không thì nó có tác dụng ngược lại (đầu độc người sử dụng, phát tán tác nhân gây bệnh cho cộng đồng). Các loại khẩu trang hiện có:
Khẩu trang vải 2 lớp (còn gọi là khẩu trang phổ thông): có nhiều kiểu dáng hợp thời trang (chiếm 90% thị trường khẩu trang). Nhược điểm: chỉ có tác dụng giảm lượng bụi bám vào miệng, chui vào mũi.
Khẩu trang ngoại khoa (còn gọi là khẩu trang phẫu thuật): thường sử dụng cho các nhân viên y tế khi phẫu thuật, tiêm chích, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh; cấp cho hành khách ở sân bay khi có dịch do virus như: SARS, cúm A/H1N1, H5N1. Nhược điểm là: không ôm khít vùng miệng mũi người dùng, nên đã xảy ra trường hợp một số bác sĩ và nhân viên y tế nhiễm bệnh và tử vong khi chăm sóc bệnh nhân SARS năm 2002 (BV. Việt Pháp – Hà Nội). Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng: cơ sở sản xuất khẩu trang cần cải tiến thiết kế theo kiểu hình phễu, với nhiều kích cỡ khác nhau để người dùng chọn lựa cho phù hợp (như khẩu trang N95).
Khẩu trang có than hoạt tính: lớp vải giữa có tẩm than hoạt tính (220g/m2) khoảng 10g than hoạt có trong một khẩu trang. Than hoạt tính có tác dụng hấp thụ khí độc. Còn có diệt được virus, vi khuẩn, vi nấm… hay không thì chưa ai dám chắc (tuy nhiên nhà phân phối lại quảng cáo là ngừa được virus cúm, vì thế cuối năm 2002 khi có dịch SARS người ta đổ xô đi mua khẩu trang than hoạt tính với giá khá đắt).
Khẩu trang diệt khuẩn: khẩu trang N95 kiểu hình phễu, có nhiều cỡ khác nhau để người dùng chọn cho phù hợp, ôm gọn được vùng mũi miệng người sử dụng. Ngăn được các tác nhân gây bệnh có kích cỡ từ 1-10m. Không thấm các chất tiết của người bệnh do ho, hắt hơi, nói chuyện bắn vào. Do đó, loại khẩu trang này chỉ dùng cho 3 loại bệnh là: bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 hoặc H5N1, SARS, lao phổi; nhân viên y tế làm việc ở môi trường có bệnh trên; Người chăm sóc bệnh nhân nhiễm các bệnh trên. Khẩu trang này chỉ dùng 1 lần và tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại.
Để đảm bảo yêu cầu đeo khẩu trang sạch: cần thay khẩu trang ngay sau khi ra khỏi môi trường ô nhiễm hoặc khi hết giờ làm việc. Do đó, cần có sẵn vài cái khẩu trang sạch và 1 túi ni-lông kín, sạch để chứa khẩu trang dùng rồi. Xử lý khẩu trang đã sử dụng (với loại khẩu trang phổ thông và khẩu trang ngoại khoa): nếu không tiếp xúc với người bệnh, có thể giặt khẩu trang với xà phòng rồi phơi khô dưới nắng mặt trời. Nếu đã tiếp xúc với người bệnh: luộc khẩu trang trong nước muối 2% để sôi trong 15 phút (hoặc vò với xà phòng diệt khuẩn, ngâm trong xà phòng 15 phút) sau đó vò, xả nước cho sạch rồi phơi dưới nắng mặt trời. Nếu không làm được thì tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại.
Theo suckhoe&doisong