Ở bếp ăn gia đình hay các hàng quán ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh quen thuộc của chè đậu xanh, chè bưởi, chè hạt sen hay chè bắp và nhiều món chè khác. Thế nhưng có một món chè đặc sản của người dân Nam bộ không hề được bày bán mà chỉ được thưởng thức trong gia đình đó là món Chè đậu xanh hột vịt.
Vào thời điểm nông dân ĐBSCL vào mùa thu hoạch lúa, cũng là lúc những bầy vịt chạy đồng có mặt trên khắp các thửa ruộng để tìm kiếm thức ăn. Những lều cầm vịt đẻ thì buổi sáng nào cũng phải đếm hột mỏi tay, đó là chưa kể số hột vịt đẻ rơi được đám trẻ con trong xóm lượm về. Thế là từ đó, chè đậu xanh hột vịt bắt đầu có tên trong danh mục các món ăn ở vùng quê Nam bộ được chế biến từ hột vịt.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phường 1 – Thành phố Vĩnh Long: “Hồi đó mình ở dưới quê, hồi còn nhỏ mình thấy mấy chú nuôi vịt khi mùa khô về mấy chú nuôi vịt chạy đồng thì ban đêm mấy chú ở ngoài ruộng giữ vịt, mấy chú hay đào một lỗ đất nhỏ chụm rơm để nấu chè hột vịt cho nên mình thấy cũng lạ từ đó mình cũng bắt chước về nấu cho gia đình ăn thử, thỉnh thoảng mình cũng nấu cho người thân ăn để biết món chè hột vịt của ngày xưa ông cha ta đã sáng tạo ra món chè hột vịt như vậy.”
Thoạt nghe hột vịt nấu chè rất dễ khiến mọi người cảm thấy lạ. Thế nhưng đây lại là món khoái khẩu với không ít người bởi sự đơn sơ, mộc mạc và không kém phần hấp dẫn toát lên từ hương vị của đậu xanh và hột vịt. Tuy nhiên, để món chè được hấp dẫn từ hình thức lẫn mùi vị thì người chế biến không nên nôn nóng mà đợi khi nồi chè thật sôi mới cho hột vịt vào, đặc biệt chú ý tách vỏ thật khéo để hột không bị vỡ hòa vào trong nước.
Cũng theo chị Tuyết Mai:“Khi người ta nấu chè thưng thường có nước cốt dừa còn như ở đây chè hột vịt thì có vị béo của hột vịt rồi cho nên ai thích ăn béo hơn nữa thì để nước cốt dừa còn không thích thì chỉ để trứng vịt và đậu xanh rồi thêm một ít gừng để giữ ấm cho bao tử ăn mau tiêu hơn.”
Nếu chỉ dừng lại ở việc nghe nói và nhìn thấy mà chưa từng một lần thưởng thức thì khó mà cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của món chè này. Chè hột vịt nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt bùi của đậu xanh, vị béo của hột vịt, mùi thơm của gừng và đặc biệt ngon khi được mọi người trong gia đình quây quần thưởng thức lúc những chén chè còn bốc khói./.
Bích Chi