Khi nói đến bánh canh người miền Nam nghĩ ngay đến bánh canh thịt vịt, bánh canh cua hay bánh canh tôm mang theo hương vị đặc trưng của nước cốt dừa. Tuy nhiên, Bánh canh cá lóc lại là một trong những món ngon dân dã được làm từ bột lọc của người dân đất cố đô Huế.
Nếu như các món bánh miền Nam trở nên khá quen thuộc với nguyên liệu làm từ bột gạo thì chính bột lọc đã làm nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người miền Trung và đương nhiên trong đó có cả bánh canh cá lóc. Ngoài bột lọc, cá lóc cũng là thành phần quan trọng làm nên mùi vị đặc trưng và dân dã có một không hai của món bánh này.
Theo chị Trần Thị Ngọc Mỹ, Phường 4 – TPVL: “Tôi chỉ biết là bánh canh này xuất xứ từ làng Thủy Dương ở Huế, đặc trưng của món ăn này là nhờ bột sợi bột làm từ bột lọc nên sợi bột dai, ngon, còn cá nếu được cá lóc to ngon, thịt sẽ ngọt hơn, cá lóc đồng chắc chắn thịt sẽ ngọt thơm hơn.”
Tuy đơn giản về nguyên liệu nhưng có phần đòi hỏi ở người nội trợ sự kỳ công trong các công đoạn chế biến món ăn, từ khâu nhồi bột đến luộc cá, rỉa cá, rồi rim cá. Đặc biệt, nước dùng của món bánh canh này không nên pha lẫn với nước hầm từ xương hay thịt mà chỉ sử dụng nguyên chất nước luộc cá để giữ lấy độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng của cá không lẫn vào đâu được.
Một nét đặc trưng nữa của món này là con bánh không đổ vào nồi nấu chung một lượt như bánh canh ở miền Nam mà ăn bao nhiêu mới cán bột vào chai rồi xắc vào nồi trụng bấy nhiêu, nhờ vậy khi thưởng thức con bánh lúc nào cũng được mềm, dai, không bị kết dính, đồng thời không làm cho nước dùng bị sánh đặc kém ngon.
Đặc biệt, bánh canh cá lóc không nên dùng chung với các loại rau ăn kèm khác sẽ làm cho món ăn mất đi mùi vị đậm đà vốn có. Con bánh trong vắt, mịn, dai, nước dùng ngọt thanh hòa vào vị beo béo của cá cùng mùi thơm nồng từ ngò gai và vị cay cay của bột ớt, tất cả hòa lẫn vào nhau làm nên hương vị đặc trưng của món ăn. Đúng điệu, món bánh canh cá lóc chỉ nên được thưởng thức lúc còn nóng, mồ hôi nhễ nhãi, vừa hít hà, ấy vậy mà ngon./.
Bích Chi