Hè là mùa của nắng nóng, cơ thể ra mồ hôi, bài tiết theo muối và điện giải, nếu không được bổ sung thích hợp cơ thể sẽ mất nước và điện giải. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên biết cách chọn lựa thực phẩm phù hợp trong chế biến bữa ăn ngày hè nhằm cung cấp dinh dưỡng và có công dụng thanh nhiệt giải độc cho cơ thể.

 

Rau diếp cá giúp thông khí: Rau diếp cá chứa hàm lượng chất xơ thực vật cao, có lợi cho hệ tiêu hóa, có thể trị bệnh táo bón. Đây cũng là thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu. Rau diếp cá còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, nên thích hợp sử dụng trong ngày hè.

Cà tím chống lão hoá: cà tím hay còn gọi là cà dái dê được sử dụng làm một loại rau trong ẩm thực mùa hè. Trong cà tím chứa nhiều vitamin E, có chức năng chống xuất huyết, ngăn ngừa lão hóa. Ăn cà tím thường xuyên có thể làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Cà tím cũng là một trong những loại rau củ có màu tím ít ỏi. Hàm lượng vitamin E và P trong lớp vỏ cà tím không loại rau củ nào có thể thay thế.

Rau mồng tơi: tên khác là lạc quỳ. Có 2 loại xanh và tía. Loại tía tốt hơn, có vị ngọt, nhạt, nhớt, tính mát. Với dược năng là lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường. Công hiệu giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dày và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận và huyết tụ. Được dùng để luộc hay nấu canh ăn rất ngon. Thường dùng trị liệu các chứng như huyết vận hay huyết tụ, dùng mồng tơi tía giã nát, pha giấm thanh, đắp lên chỗ huyết vận, huyết tụ (ma cắn). Hay trị đau mắt: lấy quả mồng tơi chín, ép lấy nước, nhỏ vào mắt ngày 3 – 4 lần. Hoặc trị táo bón: tối trước khi đi ngủ, ăn một đĩa rau mồng tơi luộc.

Rau cần tây: còn gọi là cần tàu, cần, có vị ngọt, thơm, hắc, không độc, tính mát. Với dược năng giải nhiệt, hạ khí, giãn thần kinh, lợi tiểu. Giúp tiêu hóa, điều hòa khí huyết. Trừ phong nhiệt, thành ruột. An thần tĩnh trí, trị nhức đầu. Điều kinh, trị xích bạch đới. Có thể ăn sống hoặc xào nấu với thịt, tôm cá. Có thể phơi khô (âm can), nấu nước uống. Trị chứng tăng huyết áp, nhức đầu: lấy 150g cần tây thái nhỏ, xay với một lon Root Beer cho thật nát, chia làm hai phần uống trong ngày, nhưng phải uống cách nhật, 3 ngày là đủ.  Lâu lâu làm lại như vậy. Làm điều kinh, trị xích bạch đới: cần tây tươi 100g, lá ngải tươi 30g, nghệ vàng 30g, nấu 1 lít nước, uống mỗi ngày 3 lần, trong 3 ngày.

Rau dền: còn gọi là hiện thái. Có 2 loại dền xanh và dền tía, có vị ngọt, thơm, tính mát. Với dược năng thanh nhiệt, lọc máu, lợi tiểu, an thần. Trị nhức đầu, hạ nhiệt, giúp tiêu hóa, lưu thông khí huyết, trừ nhọt lở. Đặc biệt trị sung huyết, ứ huyết và tăng huyết áp. Được dùng luộc hay nấu canh ăn hằng ngày. Có thể phơi khô, nấu nước uống. Dùng trị tăng huyết áp: lấy dền tía khô 15g, lá cối xay 10g, hạt muồng láng 10g, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 – 3 lần. Dùng lọc máu: dền tía khô 15g, cỏ mần chầu 15g, nấu nửa lít nước, uống hằng ngày. Trị nhọt lở: hoa dền tía 20gr, hoa mào gà 20gr, nấu 1 ly nước 100ml, rửa mụn. Có thể giã sống, đắp vào chỗ sưng lở.

Khoai lang: còn gọi cam thự, hồng thự, có vị ngọt, thơm, không độc, tính mát. Với dược năng giúp tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt, củ sát khuẩn. Có công năng như dây khoai lang, vì có 1 hoạt chất giống như insulin nên có thể trị đái đường. Lá khoai lang luộc ăn chữa táo bón. Củ khoai lang trị các chứng lỵ, tiêu chảy, táo bón, trĩ lậu, thương hàn. Cách dùng trong ăn là lá khoai lang luộc hay nấu canh ăn. Dây khoai lang nấu nước uống. Củ luộc hay nướng ăn, có thể chắt lấy nước uống sống. Trị kiết lỵ: buổi sáng lúc bụng rỗng ăn khoảng 100g khoai lang sống, cầm bệnh liền. Trị táo bón: trước khi đi ngủ, ăn một đĩa rau lang luộc hoặc dùng 100g củ khoai sống giã lấy nước cốt uống lúc đói, ngày 2 lần.

Rau má: còn gọi liên tiền thảo, có vị thơm, đắng, không độc, tính mát. Với dược năng cầm máu, giải nhiệt, sát khuẩn, lợi tiểu. Trị sốt rét nóng nhiều, máu cam, thổ huyết, khí hư, huyết bạch, tả lỵ. Giúp sáng mắt, trị các chứng nhọt độc, sang lở, hốt hoảng, gan nhiệt. Trị phụ nữ đau bụng máu. Bổ gan, điều hòa tạng phủ. Có thể giã sống, pha đường uống mỗi lần 40 – 50g hay luộc ăn hoặc phơi khô  nấu nước uống, mỗi lần 20g. Nhọt độc sưng đau nhai lá rau má tươi, đắp trên chỗ sưng đau. Trị kiết lỵ, tiểu đục, sạn thận lấy lá tươi giã lấy nước cốt, pha đường uống mỗi ngày 2 lần, trong 1 tuần. Hành kinh đau bụng, đau lưng: lá má khô 20g tán nhỏ, uống với nước nóng, mỗi ngày 2 lần lúc đói, trong 3 ngày.

Theo BS. Hoàng Xuân Đại ( Sức khỏe & Đời sống online )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *