Khi làm thịt gà, thịt vịt, ta thường vứt bỏ những bộ phận không ăn được như mật, màng mỡ, da chân… Nhưng trong kho tàng y học dân tộc, chúng lại là những vị thuốc chữa bệnh rất tốt.
Mật gà: tên thuốc là kê đảm, có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng giảm ho, long đờm, tiêu độc, chống viêm.
– Chữa ho lâu ngày: mật gà đen 1 cái; hạt chanh, hạt quất, lá thạch xương bồ mỗi thứ 10g. Tất cả để tươi, giã nát, thêm đường, hấp cơm cho chín, uống làm 2 – 3 lần trong ngày.
– Chữa ho gà, ho khan, ho có đờm kèm sốt: mật gà 10 cái; hạt chanh, hạt mướp đắng mỗi thứ 20g; đường cát 25g. Hạt chanh và hạt mướp đắng đem sao khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Đường đun cho chảy, luyện với bột trên làm viên bằng hạt đậu xanh, sấy khô. Trẻ em từ 1 – 5 tuổi, mỗi lần uống 2 – 4g; 6 – 10 tuổi uống 5 – 8g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.
– Chữa hen sữa ở trẻ nhỏ: mật gà 10 cái; nghệ vàng 1 củ to bằng quả trứng gà; phèn chua 1 miếng bằng hạt ngô. Đem nghệ gọt vỏ, thái mỏng, phơi khô, sao giòn, giã nhỏ, rây bột mịn; phèn chua rang khô, tán bột. Rút nước mật gà trộn đều với hai bột trên, luyện với nước cháo làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên trước khi đi ngủ.
Theo tài liệu nước ngoài, mật gà cũng được dùng chữa ho, ho gà, nhất là trường hợp ho nặng có chảy máu. Người ta lấy mật gà 1 cái, rút hết nước, trộn với mật ong, lượng bằng nhau. Trẻ em từ 1 tuổi trở xuống, mỗi ngày uống 1/3 hỗn hợp; 1 – 3 tuổi uống 1/2; 4 – 6 tuổi uống hết làm 1 lần. Dùng 5 – 7 ngày.
Mật vịt: tên thuốc là gia áp đảm, có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng tả hỏa, tiêu độc, chống kinh phong, co giật.
Chữa viêm họng, khó nuốt: mật vịt trắng 1 cái hấp chín trộn với băng phiến 2g, thạch cao phi 4g, sữa mẹ 10g. Bôi vào họng, ngày vài lần
Theo DS Hữu Bảo ( SK & ĐS)