Đậu bắp và lá xoài là hai loại cây quen thuộc với người Việt Nam. Không chỉ có tác dụng như một loài rau trái, trong đông y, đậu bắp và lá xoài còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Độc giả Minh Thu (ngụ Q.2, TP.HCM) gởi thư đến Phòng mạch miễn phí của PNO: “Tôi 47 tuổi, cao 1m56, nặng 56 kg. Năm 30 tuổi, tôi bị đau bao tử. Hai năm trước, tôi bị cao huyết áp dạng dao động và năm vừa qua lại mắc thêm bệnh tiểu đường. Chỉ số huyết áp của tôi có lúc lên đến 160, đặc biệt một lần lên mức 200, và đường huyết ở mức 6.8. Mỗi ngày, tôi vẫn uống thuốc tiểu đường và cao huyết áp do bác sĩ kê đơn”.
Lo lắng vì bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, chị Thu tìm hiểu trên mạng và thấy có bài thuốc đậu bắp và lá xoài có thể chữa tiểu đường và cao huyết áp. Chị băn khoăn “không biết có thể kết hợp 1 trong 2 bài thuốc trên cùng với thuốc tây hàng ngày được không? Hai bài thuốc này có tác dụng phụ gì không?".
Thạc sĩ- bác sĩ Lê Hoàng Sơn, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trong đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, sắt và canxi. Nếu trái còn tươi thì chứa các vitamin A, B1, B2, C và niacin. Hạt của trái chứa chất béo palmitin và stearin. Vì vậy, toàn bộ trái đậu bắp chứa chất xơ và chất nhầy nên có tác dụng làm dịu, giúp dễ đi tiêu (có ích cho người loét tiêu hóa) và lợi tiểu (có ích cho người tăng huyết áp).
Ảnh minh họa: Internet |
Riêng hạt đậu bắp còn có tác dụng trợ tim, chống co thắt. Vì vậy, đậu bắp làm giảm đau đường tiểu trong trường hợp nhiễm trùng tiểu hay sỏi niệu. Ngoài ra, toàn bộ trái đậu bắp còn có ích cho người viêm loét dạ dày tá tràng.
Kinh nghiệm dùng đậu bắp trị bệnh đã có từ xưa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Người Thái Lan dùng trái đậu bắp khô nấu nước uống để trị loét tiêu hóa. Người Malaysia và Ấn Độ dùng trái hay toàn cây sắc uống để giảm đau trong bệnh lậu và chứng khó đi tiểu.
Song song với những công dụng trên, đến nay, chưa thấy có tài liệu nào đề cập đến tác dụng phụ của đậu bắp. Thực tế cho thấy, nếu dùng đậu bắp quá nhiều sẽ đi tiêu nhiều lần trong ngày mà phân vẫn bình thường, không hại.
Lá xoài có chứa nhiều chất chát (tanin), lá già chứa nhiều tanin nên có tác dụng cầm tiêu chảy hoặc gây táo bón, và chất mangiferin (một hợp chất flavonoid có tác dụng làm bền thành mạch máu). Lá xoài cũng là một vị thuốc được sử dụng từ lâu đời. Theo Y học cổ truyền, lá có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng làm mát, lợi tiểu, chống sa nội tạng, được dùng trị bệnh hô hấp trên như ho, viêm phế quản cấp hay mạn tính, phù thũng.
Vì lá xoài nhiều chất chát nên người hay bị táo bón cần tránh dùng. Nếu muốn dùng thì dùng lá non và liều thấp nhưng liều thấp lại ít có tác dụng.
Như vậy, người bệnh tiểu đường và cao huyết áp có thể dùng hai vị thuốc trên. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ hai quy tắc sau:
1. Vì trong 2 vị thuốc Nam nêu trên có chất nhầy, chất chát và chất xơ, nên tránh dùng cùng lúc với bất kỳ thuốc nào khác. Người bệnh nên uống các thuốc bác sĩ đã kê đơn ít nhất từ nửa giờ đến 1 giờ trước khi dùng đậu bắp và lá xoài. Nói chung, các loại thuốc trị bệnh nên uống lúc bụng còn trống để tránh tương tác giữa thuốc và các loại thức ăn, trừ trường hợp được bác sĩ đề nghị uống sau ăn (để tránh kích ứng bao tử, hoặc giảm tác dụng phụ hay dùng thức ăn làm tăng tác dụng của thuốc). Nếu dùng đậu bắp và lá xoài liều cao, nên dùng sau khi uống thuốc tây ít nhất 2-3 tiếng đồng hồ (để thuốc tây có đủ thời gian ngấm vào máu).
2. Thuốc Y học cổ truyền nói chung (thuốc Nam, thuốc Bắc) chỉ có tác dụng tốt đối với tăng huyết áp và tiểu đường nhẹ vào giai đoạn đầu của bệnh. Tăng huyết áp và tiểu đường là loại bệnh phải điều trị suốt đời. “Điều trị suốt đời” không có nghĩa là phải uống cùng một đơn thuốc suốt đời. Bác sĩ sẽ tùy theo diễn tiến của bệnh mà thêm bớt liều dùng hay thêm bớt loại thuốc hoặc ngưng thuốc. Người bệnh không nên tin bất kỳ ai khuyên dùng thuốc này hay thuốc kia là thần dược có thể trị dứt bệnh. Nếu bệnh nhân bị dư cân thì càng thận trọng hơn.
Đặc biệt, bệnh nhân cần lưu ý nếu đã dùng thuốc điều trị một thời gian nhưng đường trong máu và huyết áp không hạ cần phải đến bác sĩ để được điều chỉnh đơn thuốc. Như vậy, người bệnh mới tránh được nguy hiểm về sau.
Theo PNO