Theo Đông y, tía tô có vị cay, tính ôn vào hai kinh Tỳ, phế. Có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí, khoan trung. Tía tô sắc tía nên vào huyết phận thông mạch hoà doanh. An thai, giải được chất độc của cá và cua.
Tía tô là một loại cây cao chừng 0,3 – 1m thân thẳng đứng, lá mọc đối, đầu lá nhọn, mép lá răng cưa, có màu tím hoặc xanh tím.
Trên lá có lông, hoa nhỏ màu trắng hoặc tím nhạt, quả nhỏ hình cầu màu nâu nhạt. Tía tô được trồng khắp nơi để lấy lá làm gia vị và làm thuốc. Sau đây là những phương thuốc thường dùng có vị tía tô.
Chữa ăn phải cua cá bị trúng độc, bụng đau, nôn oẹ: Bài 1 – Dùng lá tía tô tươi 100 gam vắt lấy nước uống; Bài 2 – Lá tía tô 10 gam, gừng tươi 6 gam, cam thảo 4 gam. Sắc uống.
Chữa thương phong phát nóng, lạnh, nhức đầu ra mồ hôi, ho suyễn, hắt hơi, sổ mũi dùng hạnh tô ẩm: Hạnh nhân, cát cánh, chỉ xác, tang bạch bì, hoàng cầm, cam thảo, mạch môn, bối mẫu, trần bì (mỗi thứ 4 gam).Tử tô 6 gam, gừng tươi 2gam. Sắc uống.
Chữa động thai: Tử tô ẩm (Đương quy 6g, xuyên khung 4g, bạch thược 4g, trần bì 2g, đại phúc bì 2g, cành và lá tía tô 6g) sắc uống.
Chú ý: Cần phân biệt được cây tía tô với cây tía tô mọc hoang hay còn gọi là cây tía tô giới.
Theo Lương y Phạm Hữu Vệ (Tintuconline)