Góc bếp gia đình
Phát hiện vi rút độc hại trong hải sản tươi sống
19/12/2012
Trong các xét nghiệm ban đầu, nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy loại vi rút gây tiêu chảy, ói mửa có trong một số hải sản tươi sống.
Vi rút sống trong đa dạng môi trường
Trong các nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu. Nhóm sử dụng phương pháp kỹ thuật sinh học phân tử để phân tích. Đây là phương pháp lần đầu tiên được áp dụng trong lĩnh vực phát hiện vi rút tại nước ta.
Qua xét nghiệm phân tích kết quả cho thấy, có 12/40 mẫu hải sản nhiễm Norovi rút nhóm GI và GII. Trong đó, nghêu, sò huyết chiếm 3/5 mẫu nhiễm Norovi rút, hàu chiếm tới 4/5 mẫu nhiễm vi rút này. Trong số mẫu nhiễm vi rút của hàu thì có 1 mẫu nhiễm đồng thời Norovi rút, GI, GII và 3 mẫu nhiễm GI hoặc GII.
Chưa có thuốc đặc trị
TS.BS Phạm Hùng Vân, trường Đại học Y dược TPHCM, thành viên mạng Á châu nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc cho biết: Norovi rút là một trong những tác nhân gây tiêu chảy hiện nay ở người lớn (chủ yếu là người già) với tỷ lệ tử vong cao. Đến nay, cũng đã xuất hiện trường hợp nhiễm Norovi rút ở trẻ em. Ở nước ta cũng đã có trường hợp nhiễm vi rút này.
Norovi rút (NoVs) được coi là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ em và người lớn. Con đường truyền nhiễm chính của loại vi rút này là qua thực phẩm, nước, không khí và lan truyền từ người sang người. Triệu chứng chung của bệnh do NoVs là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ và nóng lạnh. Trong đó, trẻ em thường nôn mửa nhiều hơn người lớn. Thậm chí, thực phẩm nấu chín rồi nhưng bát đĩa, nồi xong mà không hợp vệ sinh thì cũng là nơi nảy nở sinh sôi, truyền nhiễm vi rút này.
Với hải sản đa số nấu, nướng chín nhưng vẫn có loại thực khách ăn sống như hàu. Qua xét nghiệm cho thấy, 5 mẫu hàu sống thì có tới 4 mẫu nhiễm Norovi rút, do đó cần thận trọng trong ăn uống thực phẩm hải sản tươi sống.
Nói về loại vi rút này, bà Phẩm Minh Thu, Trưởng Phòng kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh Viện Pasteur TPHCM cho biết, đây là loại vi rút đường ruột. Các triệu chứng thường bắt đầu tăng đột ngột trong vòng 12 – 48 giờ sau khi phơi nhiễm với Norovi rút. Điều đáng nói là hiện không có thuốc đặc trị và văcxin phòng ngừa loại vi rút này. Do đó, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tự ý thức bảo vệ sức khoẻ của mình bằng cách vệ sinh trong chế biến, ăn uống thực phẩm. Thực hiện ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn hợp vệ sinh…
Theo Kiến thức