Ảnh minh họa (Internet) |
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía được gọi là cam giá, vu giá, thử giá, can giá, vu giá…, vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh Vị và Phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, tân dịch bất túc (bệnh lý sốt cao gây mất nước), tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, phản vị ẩu thổ (chứng nôn mửa, ăn vào thì bụng đầy trướng, sáng ăn chiều nôn, chiều ăn tối nôn, nôn ra thức ăn không tiêu hoá), sốt cao phiền nhiệt…
Về công dụng giải rượu của nước mía, các thầy thuốc đời xưa và nhiều y thư cổ đã bàn đến với những kiến giả khá sâu sắc. Sách Bản thảo cương mục viết: “Giá tương, chỉ ẩu uyết phản vị, khoan hung cách” (nước mía cầm nôn oẹ, làm khoan khoái lồng ngực). Sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ viết : “Cam giá cam lãnh thanh nhiệt, hoà trung nhuận tràng, giải tửu tiết ưu, hoá đàm sung dịch” (mía ngọt mát thanh nhiệt, tốt cho tiêu hoá, nhuận tràng, giải rượu, trừ đàm và bổ sung dịch thể).
Trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều kinh nghiệm dùng nước mía để chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ. Ví như, dùng nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa; khi viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hoà lẫn nước sắc hoàng liên để giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng; với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết… nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm…
Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn. Vả lại, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nhiều nước mía.
TS. Hoàng Khánh Toàn – Theo suckhoedoisong