Đi bất kỳ chợ nào từ Nam chí Bắc cũng đều dễ dàng tìm được rau mồng tơi. Không chỉ rẻ tiền, dễ làm, mồng tơi còn là một vị thuốc hữu hiệu.
Theo cuốn Món ăn bài thuốc của dược sĩ Bùi Kim Tùng, mồng tơi có khả năng tán nhiệt nên dùng rau này vào mùa nắng nóng để thanh nhiệt. Những ai cần giảm cân chỉ cần dùng một bát canh rau mồng tơi trước khi vui cùng các món khác cũng giúp giảm được một phần năng lượng nạp vào cơ thể. Không những thế, loại rau này còn có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón, thanh nhiệt, giải độc, duy trì sức khỏe, phòng chống mệt mỏi, bứt rứt trong cơ thể.
Mồng tơi còn chứa nhiều sinh tố A, B1, B2, C, đạm, chất béo… nên rất tốt cho phụ nữ đang cho con bú mà thiếu sữa. Đông y thường dùng mồng tơi tăng cường sữa cho thai phụ qua bài thuốc gà ác ninh nhừ với mồng tơi. Gà ác lành, ninh nhừ ăn cả xương, bổ sung canxi cùng với rau mồng tơi cung cấp nhiều nước và dưỡng chất giúp sản phụ tiết nhiều sữa. Còn nhiều món khác mà sản phụ cũng dùng được như: món rau mồng tơi xào mực, ớt chuông, gừng, vừa ngon vừa bổ. Cần nhớ xào mực với ớt chuông trước, khi mực chín tới thì cho rau mồng tơi vào, nêm vừa ăn rồi cho gừng và tiêu (gừng, tiêu nhằm làm cho mồng tơi đỡ hàn). Mồng tơi còn dùng nấu cháo cá lóc. Bí quyết để món cháo thơm ngon là dùng gạo tấm rang vàng. Nước cháo vừa dậy mùi thơm thì cho cá lóc đã ướp gia vị vào, thêm mồng tơi cắt nhỏ. Có “tính” hiền không thua cháo cá lóc mồng tơi là món canh rau mồng tơi nấu cá lóc và nấm, rau mồng tơi xào tỏi…
Người dân Bắc bộ thường nấu canh cua đồng với mồng tơi. Tại các chợ ở TP.HCM thường bán cua xay (chỉ cần chọn nơi có nguồn nước sạch, cối xay sạch) lọc lấy nước nấu lửa nhỏ cho cua đóng bánh rồi cho rau mồng tơi vào, canh ngon ngọt rất… hao cơm. Món này càng ngon hơn khi đi kèm với tép rim thịt, cà pháo mắm tôm. Đây là những món ăn bổ dưỡng nhiều canxi, rất tốt cho trẻ em đang tuổi lớn, phụ nữ mang thai, người cao tuổi… Người dân Nam bộ thường luộc rau mồng tơi chung với các loại rau củ vườn nhà để chấm kho quẹt. Món này hiện nay xuất hiện nhiều ở các nhà hàng, quán nhậu. Dĩa rau đủ chủng loại cung cấp đủ sinh tố, khoáng chất, chất xơ cho người sử dụng. Còn món kho quẹt được làm từ đường, mỡ, tóp mỡ, nước mắm là món chấm tuyệt vời có công dụng góp thêm chất béo để làm chất dẫn đường cho sinh tố A, E, D có trong rau xanh vào cơ thể.
Nếu đông người ăn, nên nấu lẩu với rau mồng tơi. Vùng Khánh Hòa nấu lẩu mực “nhi đồng” với rau mồng tơi. Rau mồng tơi chỉ cần nhúng vào nồi lẩu đang sôi sùng sục là “măm” được rồi. Món bao tử hầm tiêu cho vào nồi lẩu cũng dùng rau mồng tơi làm “quân chủ lực” để gắp gắp, nhúng nhúng… Ngon không kém là món lẩu chim bồ câu mồng tơi. Chỉ cần băm thịt bồ câu, vo viên thả vào nước lèo, nấu sôi, nhúng rau mồng tơi là có được món ăn ngon, vị thuốc quý chữa bệnh táo bón.
Theo Trúc Đan ( PNO )