Không hẳn chỉ có những hàng dừa nước ven sông, những bụi chuối sau hè, những hàng dừa xanh che bóng mát mới là đặc sản của đồng quê Nam bộ, hình ảnh những hàng khoai mì thẳng tắp trên bờ mẫu hay xúm xít sau vườn nhà cũng trở nên gắn bó với người dân nơi đây từ bao đời nay.
Mỗi lần nhắc tới loài cây này là mọi người lại nhớ đến các món ăn dân dã thơm ngon như: khoai mì luộc nước cốt dừa, khoai mì nướng, khoai mì nấu cà ri, trong đó phải kể đến món khoai mì hấp– một trong những món ngon mang đậm hồn quê Nam bộ.
Đến vùng đất Nam bộ, không thật khó để bạn tìm thấy những bụi khoai mì. Đối với loại mì kè, củ nhỏ, gọn thon thì ưu tiên luộc nước cốt dừa. Riêng loại mì bột cây xanh củ to mài làm nhiều loại bánh. Việc đào mì nặng nhọc có thể giao cho mấy thanh niên trai tráng làm dùm. Riêng công đoạn mài mì mất công thế này thường do chị em phụ nữ thay nhau đảm nhiệm, tuy nhẹ nhàng nhưng khá mất thời gian.
Bà Ngô Thị Xuân, xã Hựu Thành – huyện Trà Ôn cho biết: “Thời của tui đi học thì tôi cũng thích ăn mì này lắm, hồi đó mua một gói vầy 1,2 đồng cũng lâu quá rồi hỏng nhớ nữa, mua lần từ gói ăn vậy bán trước cổng trường, rồi sau này bà già cũng hay làm, tôi có chồng có con món mì này tui cũng thích, tui cũng là cho con cho cháu ăn những lúc mần lúa, ăn buổi trưa”.
Muốn cho bánh hấp ra lò không bị nhão, sau khi mài nhuyễn, người chế biến phải vắt chúng cho ráo nước, có người lấy phần bột mì đọng lại dưới đáy thau trộn chung vào xác mì cho thêm độ dẻo.
Không như những món bánh khác được chan nước cốt dừa khi ăn, mì hấp đúng điệu phải thưởng thức chung với muối mè. Thêm vào đó, cũng không thể bỏ qua vai trò của mớ dừa xác kèm theo. Đặc biệt phải ra vườn chọn cho được trái dừa hơi rám kéo sợi mới ngon.
Món này thưởng thức khi nguội ta sẽ cảm nhận được độ mềm, dẻo, dai của từng sợi mì, hòa chút vị béo ngọt và hương thơm thoang thoảng.
Bích Chi