Trong bữa cơm của người Việt, dưa muối là món ăn kèm, giải ngán cho những món quá nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, có những điều cần lưu ý khi sử dụng món ăn tưởng chừng vô hại này.
Rửa, vắt sạch trước khi ăn: Nhiều người thường vớt dưa trong hũ ra và ăn ngay, không sơ chế thêm vì nghĩ trong môi trường muối mặn thì khó có vi khuẩn gây hại. Thật ra, việc rửa và vắt dưa kỹ trước khi ăn không chỉ nhằm mục đích loại bỏ vi khuẩn mà còn giúp xả bớt vị mặn và vị chua gay gắt trong dưa.
Không ăn quá nhiều: Dù có thèm đến đâu thì lượng dưa muối bạn ăn vào mỗi lần chỉ nên khoảng 50g và không nên ăn thường xuyên. Trong dưa chua có chứa rất nhiều axit oxalic và canxi. Khi vào cơ thể, hai chất này không được thải ra ngoài nhiều mà phần lớn được hấp thu, lâu ngày sẽ gây sỏi thận. Hơn nữa, dưa muối chua tuy có vị chua nhưng cơ bản không chứa vitamin C, lại rất mặn nên ăn nhiều không tốt cho sức khỏe, dễ dẫn đến cao huyết áp.
Không ăn dưa muối chưa chín: Dưa muối còn xanh hay dân gian thường gọi là chưa chín thường chứa nhiều muối nitograt, dễ gây ngộ độc, làm tim mệt, thở dốc, tức ngực. Ngoài ra, hợp chất này khi tích tụ lâu trong cơ thể cũng dễ gây ung thư.
Không nêm bột ngọt: Thông thường, các loại thực phẩm có tính chua hay kiềm thì không nên nêm bột ngọt khi nấu. Bởi trong môi trường kiềm, bột ngọt sẽ làm cho mùi vị món ăn giảm đi, còn trong môi trường axit hay nhiệt độ cao, bột ngọt dễ biến thành chất gây hại cho sức khỏe.
Theo Nguyễn Công ( PNO )